Đại học vùng đang ‘vét’ thí sinh với mức điểm chuẩn quá thấp?

0
3663

Nhiều trường chỉ lấy điểm trúng tuyển ở mức 13 hoặc 13,5, nghĩa là chỉ hơn 4 điểm/môn là đỗ đại học. Điều này sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo sinh viên.

Câu chuyện chỉ 13 điểm đỗ ngành Báo chí và hàng loạt ngành học khác trong mùa tuyển sinh năm nay một lần nữa dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo ở các đại học vùng và nhiều đại học ở địa phương.

Do không còn điểm sàn như các năm trước, nhiều trường, ngành học giảm điểm trúng tuyển xuống 13. Nếu tính điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng ở mức cao nhất theo quy định, thí sinh chỉ cần đạt dưới 4 điểm/môn đã đỗ đại học.

Với ĐH Tiền Giang, ngành Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn 15 điểm, các ngành còn lại 13 điểm. Tương tự, trừ ngành đào tạo giáo viên, Nuôi trồng Thủy sản và Kinh doanh Nông nghiệp, ĐH Hồng Đức xác định điểm trúng tuyển 13 cho các ngành còn lại.

Hội đồng tuyển sinh ĐH Duy Tân cũng lấy điểm chuẩn 13 cho tất cả ngành học, trừ Bác sĩ Đa khoa và Bác sĩ Răng hàm mặt (19 điểm), Dược học (16 điểm). Ngành Kiến trúc (môn Vẽ nhân hệ số 2) lấy 15 điểm.

ĐH Đông Á công bố mức trúng tuyển từ 13 điểm, gồm tổng điểm 3 bài thi và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Với ĐH Xây dựng Miền Trung, các ngành đào tạo đều có điểm trúng tuyển từ 13.

Tại ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 12/18 ngành và phân hiệu tại Thanh Hóa đều có mức trúng tuyển là 13; hai ngành khác lấy 13,5.

Trừ chương trình đào tạo giáo viên, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 13,5 cho các ngành còn lại.

Hai trường thành viên của ĐH Thái Nguyên – một trong những đại học vùng lớn – cũng có điểm chuẩn rất thấp. Trong đó, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp lấy 13,5 điểm, trừ hai chương trình tiên tiến. ĐH Khoa học tuyển từ 13,5 điểm cho 10 ngành (bao gồm ngành Báo chí) và chỉ có 4 ngành lấy 16 điểm.

Điểm chuẩn thấp còn xuất hiện hàng loạt tại ĐH Huế khi 11 ngành của ĐH Kinh tế, 21 ngành của ĐH Nông Lâm, 4 ngành của phân hiệu tại Quảng Trị lấy điểm trúng tuyển 13.

ĐH Khoa học cũng có chung mức điểm chuẩn, trừ ngành Báo chí lấy điểm nhỉnh hơn một chút – 13,75 điểm.

Điểm chuẩn thấp triền miên và nỗi lo “vét” sinh viên bằng mọi giá

Đây không phải năm đầu tiên ĐH Huế lấy điểm chuẩn thấp. Năm ngoái, trường này gây xôn xao khi chỉ lấy điểm trúng tuyển 12,75 cho một số ngành sư phạm. Năm nay, Bộ GD&ĐT áp sàn cho ngành đào tạo giáo viên nên điểm chuẩn được nâng lên.

Trong khi đó, các ngành còn lại vẫn ở mức thấp, thậm chí hạ 1-2 điểm. Cụ thể, năm ngoái, ĐH Nông Lâm lấy điểm chuẩn 15,5 cho hầu hết ngành học, trừ hai ngành lấy 10,25.

Năm 2017, trong khi nhiều trường có điểm trúng tuyển cao chót vót, một thành viên của ĐH Huế là ĐH Kinh tế lấy điểm chuẩn 15,5 cho các ngành, trừ Quản trị kinh doanh và Kế toán lấy 16 điểm. Tình hình của ĐH Khoa học (ĐH Huế) cũng không khá hơn khi điểm chuẩn năm 2016 cho phần lớn ngành học là 15, năm 2017 là 14,25 và năm nay hạ xuống còn 13.

Không chỉ riêng ĐH Huế, nhiều trường cũng có “truyền thống” xác định điểm trúng tuyển thấp và năm nay “bài ca điểm thấp” vẫn lặp lại.

Năm ngoái, câu chuyện điểm sư phạm của ĐH Huế khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng của giáo viên. Năm nay, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, nhiều trường hạ chuẩn xuống dưới mức trung bình một lần nữa dấy lên lo ngại khi chất lượng đầu vào quá thấp.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết rất khó đánh giá chất lượng đầu vào vì thiếu chuẩn mực, tức độ khó của đề. Tuy nhiên, ông cho rằng với đề thi năm nay, thí sinh trung bình cũng có thể đạt 15 điểm.

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT – khẳng định không thể lấy lý do đề khó để biện minh cho việc lấy điểm chuẩn dưới 15.

Ông Vinh giải thích đề khó tác động nhiều đến mức điểm trên 18. Khoảng điểm 4-5 mỗi môn không chịu ảnh hưởng nhiều vì điểm thi cũng được dùng để xét tốt nghiệp. Khi Bộ GD&ĐT bỏ sàn, trường đại học có thể cân nhắc lấy điểm chuẩn thấp nhưng nó sẽ ảnh hưởng uy tín, danh dự của trường, và chất lượng đào tạo sinh viên.

“Tôi không dám chắc đầu vào thấp thì đầu ra thấp nhưng xu hướng chung là nguyên liệu không tốt, sản phẩm khó lòng tốt”, ông Vinh nêu quan điểm.

TS Vinh cho rằng việc hạ điểm để “vét” thí sinh là bài toán liên quan tài chính của cơ sở giáo dục, trả lương cho giáo viên nên nhiều trường chấp nhận lấy điểm trúng tuyển thấp để đảm bảo quy mô đào tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Điền khẳng định ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng lấy thiếu chỉ tiêu thay vì hạ điểm để tuyển đủ thí sinh. Thực tế, năm 2016, trường tuyển thiếu 800 chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng.

Ông Điền khẳng định vấn đề chất lượng phải kiểm soát từ đầu vào. Một chương trình đào tạo nghiêm túc, người học cần đáp ứng về trình độ nhận thức và năng lực học tập thông qua điểm thi. Nếu cố tuyển đủ, trường sẽ phải đuổi học số lượng lớn sinh viên trong quá trình đào tạo.

Từ góc nhìn này, nhiều chuyên gia lo ngại nếu các đại học vùng cố “vét” thí sinh với mức điểm trúng tuyển thấp nhất năm nay, hậu quả sẽ là chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng; trình độ, năng lực của cử nhân, kỹ sư khi ra trường không đạt chuẩn. Danh tiếng của cơ sở đào tạo cũng theo đó mà suy giảm.

Theo Zing