Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố kết quả xét tuyển diện ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học hệ chính quy năm 2021.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã cung cấp những thông tin ban đầu về kỳ thi, đồng thời trả lời các câu hỏi của phóng viên, trong đó đặc biệt là việc thí sinh F0 đi thi và vụ “lọt” đề thi toán tại tỉnh Quảng Bình.
Thí sinh F0, F1 thi dở đợt 1 sẽ được bảo lưu kết quả
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm các mục đích: đánh giá học tập của học sinh tại trường sau 12 năm, làm cơ sở để xét công nhận tốt nghiệp; cung cấp số liệu để cơ quan quản lý phân tích, từ đó điều chỉnh công tác dạy và học; là căn cứ để một số trường đại học, cao đẳng chọn để xét tuyển đại học.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, nhưng với kinh nghiệm “tác chiến” năm 2020, với sự vào cuộc chủ động cả hệ thống, về cơ bản các địa phương đã làm chủ tình hình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Ông Trinh cho biết: “Từ ngày 9-7, các hội đồng thi các tỉnh tập trung chấm thi, ngoài ra cần nắm bắt tình hình dịch bệnh, số lượng thí sinh và nguyện vọng tâm tư của thí sinh, từ đó sẽ đề xuất lên Bộ GD-ĐT để quyết định thời gian tổ chức kỳ thi đợt 2. Chủ trương chung là đợt 2 phải đảm bảo nghiêm túc, an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Cách tổ chức đợt 2 chúng tôi đã có kinh nghiệm từ năm ngoái. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với ngành y tế để thống nhất thời gian tổ chức”.
Trong đợt 2, sẽ có 23.569 thí sinh dự thi. Quan điểm của bộ, theo ông Trinh, là đợt 2 phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh, thông qua việc xây dựng đề thi có độ khó tương đồng với đề thi đợt thi thứ nhất; các trường đại học cũng sẽ điều chỉnh tuyển sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh thi đợt 2.
Cũng theo ông Trinh, những thí sinh F0, thi dở đợt 1 sẽ được bộ cho bảo lưu kết quả. Khi đợt 2 tổ chức, các em có thể tiếp tục dự thi nốt những môn chưa thi.
Riêng về nội dung vụ lọt đề thi toán tại Quảng Bình, ông Trinh thông tin: “Chiều 7-7, ngay sau khi có thông tin lọt đề thi toán ra bên ngoài, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an vào cuộc và xác định được một thí sinh vi phạm bằng cách mang điện thoại di động vào phòng thi tại điểm thi THPT Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Cơ quan công an đang xác minh, căn cứ vào đó để xử lý theo quy định hiện hành”.
“Hôm 7-7, thu bài môn toán vào lúc 16h thì lúc 15h55 lọt đề thi toán. Phải khẳng định đây là lọt đề chứ không phải lộ đề. Thí sinh này đã bị đình chỉ, cán bộ coi thi phải làm tường trình, không coi buổi tiếp theo” – ông Trinh nói thêm.
Tuyển sinh ĐH sẽ thế nào?
Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Với các em F0, các em đã được đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên vì không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, không có điểm, nên các em không tham gia xét tuyển đại học bằng phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này. Đợt thứ 2, nếu các em F0 có nguyện vọng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT thì vẫn được tham gia. Trong trường hợp xấu nhất không tham dự kỳ thi này được thì vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển đại học như: xét học bạ, dùng chứng chỉ quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực”.
Theo bà Thủy, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các trường ĐH thống nhất chờ thi xong đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì mới xét tuyển chung một lần để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
“Hiện nay vẫn còn quỹ thời gian dự trữ, thí sinh cứ yên tâm ôn thi. Trong trường hợp bất khả kháng, khi phải lùi đợt thi thứ 2 quá xa đợt 1, Bộ GD-ĐT cùng các trường trao đổi để đưa ra phương án tốt nhất cho các em” – bà Thủy khẳng định.
96,13% thí sinh đến thi tốt nghiệp THPT
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước có 981.771 thí sinh dự thi, đạt 96,13% với 2.233 điểm thi. Trong đó có 763.244 thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng (74,73%).
Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 23.569, chiếm tỉ lệ 2,31%. Có 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi.