Dân hỏi, Quốc hội hỏi, Bộ Giáo dục nghe không rõ câu hỏi!

0
1357

Có thể tin được không nếu kết luận phụ huynh của 222 thí sinh được nâng điểm hoàn toàn trong sạch…?

Ngoài ý kiến của người dân, truyền thông và một số đại biểu Quốc hội, có tới ba vị lãnh đạo Quốc hội đã phải lên tiếng về vụ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Vị thứ nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.

Ông Bình đã yêu cầu Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo “giải trình kín” với Ủy ban về vụ việc.

Vị thứ hai là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, ông Thanh yêu cầu Chính phủ xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và yêu cầu Chính phủ xử lý nghiêm những công chức, cán bộ ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương có liên quan đến việc nâng điểm cho 222 thí sinh.

Người thứ ba lên tiếng là Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5/2019, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã trình bày báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện.

Trong báo cáo, Ban Dân nguyện đã đề cập một số vấn đề liên quan đến giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước các ý kiến của cử tri cả nước. [1]

Xin tóm tắt ba vấn đề chính:

Thứ nhất, “Khi cử tri hàng loạt các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắc Lắk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh… đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, thì Bộ lại chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung trong kỳ thi sắp tới”.

Thứ hai, “Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay.

Cụ thể như trách nhiệm của Bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi… chưa khoa học, còn sơ hở, chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước”.

Thứ ba, “Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương cũng còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm nhưng cũng chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm trong vấn đề này…

Đặc biệt, việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực thi cử cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri”…

Hoạt động của các cơ quan thuộc Quốc hội nhiệm kỳ hiện tại đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo hình như chưa có tiền lệ từ trước đến nay và đặc biệt ngôn từ sử dụng cũng chưa bao giờ thẳng thắn đến như vậy.

Quốc hội đã rất nghiêm túc và nghiêm khắc đưa ra ý kiến nhận xét bởi một lẽ rất đơn giản, dân chúng phản ứng rất mạnh mẽ với sai phạm và số bài báo nói về vụ gian lận thi cử năm 2018 nhiều đến mức không thể thống kê chính xác.

Vậy vì sao dân hỏi một đằng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại trả lời một nẻo đến mức Trưởng ban Dân nguyện phải lên tiếng nhắc nhở?

Vấn đề không phải là do đội ngũ chuyên viên giúp việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi viết giải trình không hiểu kiến nghị của cử tri mà là cố tình “tảng lờ” khi đưa ra những câu trả lời có cũng như không.

Dân hỏi, Quốc hội hỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo không trả lời đúng câu hỏi, vậy bộ đã thực hiện đúng trách nhiệm giải trình, một trách nhiệm đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao hay Thông tư số 02/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ…

Trách nhiệm giải trình được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bắt buộc phải cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn đó khi người dân và các cơ quan lập pháp, tư pháp yêu cầu.

Tạp chí điện tử Thanh tra, cơ quan của Thanh tra Chính phủ (Thanhtravietnam.vn) trong bài “Trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ ở Việt Nam” viết:

“Một Nhà nước không có dân chủ thì chắc chắn sẽ không có việc công dân được phát biểu, được yêu cầu Nhà nước giải thích về những việc mình làm và cũng không có việc Nhà nước sẽ chấp nhận yêu cầu đó”. [2]

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, vì thế dân chủ – theo nghĩa một nền dân chủ chân chính – phải bảo đảm “Dân làm chủ”.

Như nhận định trên Tạp chí Thanhtravietnam.vn, “Một Nhà nước không có dân chủ” nghĩa là“không có việc Nhà nước sẽ chấp nhận yêu cầu”của công dân về việc“Nhà nước giải thích về những việc mình làm”.

Vậy khi dân hỏi mà cơ quan nhà nước “tảng lờ” thì có phải là cơ quan đó đã bác quyền “Dân chủ” của nhân dân?

Câu hỏi này được đặt ra vì Ban Dân nguyện của Quốc hội đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến cách thức giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vụ gian lận điểm năm 2018.

Cũng bài báo trên [2] đưa ra kết luận:

“Văn hóa cá nhân thấp là một rào cản đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở nước ta hiện nay”.

Người viết thực lòng không muốn tin những chuyên viên, cán bộ (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) trực tiếp soạn thảo, phê duyệt bản giải trình gửi Quốc hội lại rơi vào tình trạng như Tạp chí điện tử Thanhtravietnam.vn cảnh báo?

Người xưa gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo là “Bộ Học”, theo cách hiểu của dân chúng những người làm việc ở đó phải là người “có học” thì mới đủ năng lực quản lý việc dạy và học của đất nước, tuyệt đối không thể có người thuộc diện “Văn hóa cá nhân thấp” nhưng lại là công chức hoặc lãnh đạo tại “Bộ Học”.

Không thể không nhắc đến một ý kiến của Ban Dân nguyện:

Đặc biệt, việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực thi cử cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri”.

Khi một cơ quan thuộc Quốc hội nhấn mạnh đến: “Việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực thi cử” thì nghĩa là Quốc hội đã khẳng định chắc chắn, rằng có cá nhân, tập thể thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi 2018 và việc “xử lý” những người đó như thế nào chứ không phải là tìm hiểu xem có cá nhân, tập thể nào dính líu hay không.

Trong loạt bài “Giáo dục, quyền rơm vạ đá” đăng trên Giaoduc.net.vn người viết đã hết sức bênh ngành Giáo dục nhưng không có nghĩa là cũng bênh lối làm việc và khả năng xử lý tình huống của một bộ phận không nhỏ nhân sự thuộc bộ, chẳng hạn bộ phận thanh tra, kiểm tra mà Ban Dân nguyện đã nêu đích danh.

Phản ứng trước ý kiến của Ban Dân nguyện, báo Giaoducthoidai.vn viết:

Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, Bộ GD&ĐT là một trong những bộ, ngành được nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao về sự nỗ lực giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Cho rằng, báo cáo của Ban Dân nguyện sử dụng một số động từ mạnh, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội nêu ý kiến, một số nội dung nên tránh dùng động từ mạnh. Chẳng hạn như ở nội dung bạo lực học đường, báo cáo có viết…”. [3]

Có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tiếp thu ý kiến của Quốc hội – cơ quan đại diện cho nguyện vọng của nhân dân – vẫn còn có gì đó chưa phù hợp với trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có bộ phận làm nhiệm vụ “điểm báo” thu thập kiến nghị trên truyền thông và của nhân dân, trả lời thẳng vào những vấn đề dân chúng quan tâm chứ không phải theo kiểu vòng vo cho qua chuyện.

Trên thế giới, không ít người đứng đầu đứng ra xin lỗi và từ chức vì để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.

Điều này tại Việt Nam hình như chưa bao giờ xảy ra và vì thế Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không phải là ngoại lệ.

Cho đến nay, lãnh đạo cao nhất cơ quan Đảng, chính quyền ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và Bộ Giáo dục và Đào tạo có bao nhiêu người lên tiếng xin lỗi nhân dân (chứ chưa nói đến từ chức)?

Đổi mới giáo dục đào tạo không thể thành công nếu cơ quan chấp hành vẫn làm việc theo lề lối cũ, vẫn im lặng trước sự góp ý của nhân dân và bỏ qua những ý kiến từ Quốc hội.

Mặt khác, người dân cũng mong muốn Quốc hội không chỉ có văn bản phê bình hoặc “giải trình kín” mà cần yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trách nhiệm cá nhân trong vụ gian lận điểm kỳ thi năm 2018, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ có hay không chuyện hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những phụ huynh có con em được nâng điểm.

Có thể tin được không nếu kết luận phụ huynh của 222 thí sinh được nâng điểm hoàn toàn trong sạch, chuyện con em họ trở thành thủ khoa, á khoa là do bị người khác cố tình “chơi xấu”?

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục không minh bạch trong việc giải trình trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vụ gian lận thi cử năm 2018 thì người viết e là nhận định về “Văn hóa cá nhân thấp” trên tạp chí Thanhtravietnam.vn sẽ tìm được một minh chứng hết sức thuyết phục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://plo.vn/thoi-su/truong-ban-dan-nguyen-chua-thay-bo-giao-duc-nhan-trach-nhiem-832644.html

[2] http://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/trach-nhiem-giai-trinh-trong-thuc-thi-cong-vu-o-viet-nam-182967

[3] https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cu-tri-va-nhan-dan-ghi-nhan-no-luc-cua-nganh-giao-duc-4001460-v.html