Đăng ký cùng lúc 20 nguyện vọng: Nên hay không?

0
1623

Gần đây, trên mạng xã hội và trang tuyển sinh một số trường THPT lan truyền hình ảnh những phiếu đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hàng chục nguyện vọng của thí sinh. Thậm chí có thí sinh đăng ký vào tất cả các ngành của cùng một trường.

Dù chưa rõ thực hư tờ của các phiếu đăng ký này có được đem đi nộp hay không tuy nhiên cũng tạo nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng thí sinh đã được trao quyền đăng ký nguyện vọng không giới hạn, nên hãy để các em tự quyết định tương lai của mình.

Một phiếu đăng ký của thí sinh cả 19 nguyện vọng vào 19 ngành của cùng một trường duy nhất (ảnh lan truyền trên mạng xã hội)

Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh luận cho rằng với mức phí 30.000 đồng/nguyện vọng thì chủ nhân các tờ phiếu này đang thực sự làm lãng phí tiền bạc của gia đình và đăng ký quá nhiều là không cần thiết.

Trước vấn đề này, Ths Phạm Thái Sơn, phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: “Việc thí sinh đăng ký một trường đến 10-20 ngành là cách làm việc chưa nghiêm túc. Đề nghị các thí sinh đăng ký chưa nghiêm túc như vậy phải xem xét lại để có sự chọn lựa chín chắn nhất”.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp thí sinh đăng ký hơn 10 nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau. Theo ông Sơn, việc thí sinh chọn quá nhiều nguyện vọng chứng tỏ sự tự tin của bản thân các em chưa cao. Thứ hai là công tác tìm hiểu thông tin về ngành nghề chưa được nghiêm túc.

“Chúng ta nên đăng ký số lượng tương đối tầm 4-6 nguyện vọng. Không nên đăng ký quá nhiều thay vào đó tập trung nghiên cứu thật kỹ về nghề và trường mà chúng ta xét tuyển vào”, ông Sơn nói.

“Cách thi của Bộ GD-ĐT thời gian gần đây là kỳ thi đánh giá năng lực học tập chứ không phải kỳ thi đánh đố. Do đó, nếu các em có năng lực học tập tốt thì các em hoàn toàn có thể tự tin khi đăng ký xét tuyển vào các trường. Tôi cũng thấy hàng năm điểm trúng tuyển vào các trường cũng không có sự dao động quá nhiều, và các em hoàn toàn có thể dự đoán và dựa vào đó để đăng ký xét tuyển”, ông nói thêm.

Đăng ký nhiều thì tăng cơ hội trúng tuyển, tuy nhiên theo ông Sơn chọn để trúng tuyển chỉ là một phần. “Vấn đề đặt ra là chọn những trường phải phù hợp điều kiện của mình, chính sách, chương trình đào tạo của trường, học phí… Tất cả những điều đó sẽ giúp quá trình học tập sau này của các em chứ không phải chọn để đậu xong mà sau ngày vào học không phù hợp. Thực tế chuyện này cũng đã xảy ra ở khá nhiều trường thời gian qua, tỷ lệ học sinh bị đuổi ở một số trường do không theo nổi chương trình học cũng là điều đáng tiếc”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ths Phạm Thái Sơn cũng nhấn mạnh thí sinh cũng phải chú ý một số điểm khi đăng ký xét tuyển. “Đây là giai đoạn rất quan trọng để thí sinh ghi thông tin đăng ký ngành nghề theo những định hướng phân luồng nghề nghiệp và công tác về hướng nghiệp. Điều đầu tiên thí sinh phải chú ý chọn đúng ngành phù hợp nhất với khả năng, sở thích, đam mê của mình. Sau đó mới tiến hành chọn trường”.

Cũng như nhiều chuyên gia đã đưa ra các lời khuyên về nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng và số lượng nguyện vọng đăng ký bao nhiêu là phù hợp, ông Sơn cho rằng đầu tiên phải chọn ngành phù hợp với khả năng, đam mê và sở thích của mình.

“Sau đó chúng ta chọn trường phù hợp dựa trên các yếu tố liên quan điểm thi hàng năm, học phí, các chính sách hỗ trợ và chi phí ăn ở sinh hoạt của trường đó như thế nào. Sau khi các em lọc ra được danh sách các trường phù hợp thì sắp xếp thứ tự như sau: thứ tự nguyện vọng đầu tiên là những trường phù hợp nhất với mình, điểm thi của 3 năm liền kề cao hơn năng lực của mình một chút; tiếp đến là những trường mình thích và điểm rất gần với năng lực của mình; cuối cùng là chọn những trường mình thích có điểm thấp hơn năng lực bản thân một chút. Với cách chọn lựa này, thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển tốt, đặc biệt là vào được những trường phù hợp với mình”, ông Sơn chia sẻ.

Theo Dantri