Số liệu thí sinh đăng ký các môn khoa học xã hội tăng vọt đã trở thành một hiện tượng của mùa đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay. Điều này đã thực sự là tín hiệu đáng mừng chưa?
Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT đến cuối giờ chiều 16-4 cho thấy đã có gần 690.000 hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia được nhập lên hệ thống, trong đó hơn 90% là đăng ký của học sinh đang học lớp 12, số thí sinh tự do chỉ đạt hơn 45.000 hồ sơ. Có 75% thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia cũng đồng thời đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và trường CĐ sư phạm.
Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm hơn 38%, số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH) nhiều hơn hẳn, chiếm gần 50%. Ngoài ra, còn có khoảng 60.000 thí sinh chọn lựa cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Kết quả này khác hẳn với những năm trước khi tỉ lệ thí sinh chọn các môn KHXH thường ở mức thấp hơn.
Về lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp của thí sinh cho thấy môn lịch sử được chọn nhiều nhất, tiếp đến là các môn địa lý, giáo dục công dân, hóa học, vật lý, sinh học (xem bảng số liệu).
Lựa chọn an toàn
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội cho biết: “Học sinh lớp tôi đăng ký môn KHTN trên 50%, còn lại là môn KHXH. Tuy “tự nhiên” vẫn nhỉnh hơn nhưng so với năm trước, học sinh chọn môn xã hội tăng hơn nhiều. Có lẽ vì các em sợ dễ bị rơi vào điểm liệt nếu đăng ký thi bài thi KHTN”.
Trao đổi với Phương Hạnh, một học sinh lớp 12 trường này, bạn cho biết: “Môn xã hội dù không thuộc bài vẫn có thể làm được một chút và ít nhất cũng được trên mức điểm liệt. Vì thế mình chọn môn KHXH, mục đích chỉ để xét tốt nghiệp. Còn ĐH mình sử dụng tổ hợp toán, văn, Anh để xét tuyển”.
Tại nhiều trường của Hà Nội, số học sinh đăng ký các môn KHXH ở mức cao. “Chưa có số liệu cuối cùng nhưng căn cứ vào đăng ký của đợt thi thử vừa qua thì có khoảng 50% học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH. Ngoài các học sinh học trội các môn khối C, nhiều học sinh chọn tổ hợp toán, văn, Anh để xét tuyển ĐH cũng đăng ký KHXH để xét tốt nghiệp” – một lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết.
Tương tự ở các trường THPT Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), tỉ lệ đăng ký môn KHTN và KHXH là 50/50.
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy giáo dục công dân Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhận xét: “Chương trình học giáo dục công dân hiện nay gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Trong khi hình thức thi lại là trắc nghiệm nên có nhiều câu học sinh đọc nội dung có thể dùng các phương pháp loại trừ, phán đoán để điền câu trả lời đúng mà không cần học thuộc lòng như cách học trước đây. Như thế ít nhất các em cũng có thể đạt điểm 5-6. Vì vậy chọn bài thi tổ hợp KHXH an toàn hơn”.
Tại TP.HCM, theo lý giải của nhiều giáo viên môn giáo dục công dân thì chương trình môn học này ở lớp 12 chỉ có 9 bài, kiến thức cũng không quá khó. Lúc đầu khi mới đọc sách giáo khoa, một số học sinh bị “dội” vì nhiều khái niệm khô khan, khó nhớ.
Tuy nhiên, các giáo viên trên địa bàn TP.HCM đã thống nhất cách giảng dạy theo hướng dẫn dắt các em đi từ thực tế đến khái niệm bài học, tức là học sinh phải hiểu bài mới làm bài được. Trong quá trình giảng dạy, người thầy cần làm cho học sinh cảm thấy kiến thức môn học là cần thiết trong cuộc sống đời thực và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Thế nên nhiều học sinh đã nhận ra đây là môn học nhẹ nhàng nhất trong các môn thi THPT quốc gia.
Như nhận xét của các giáo viên, P.T.C.C. (học sinh lớp 12A7 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM) cho biết: “Trong số 6 môn thi thì môn giáo dục công dân em dành ít thời gian nhất để học. Nguyên nhân là vì học trên lớp đã hiểu bài rồi nên về nhà chỉ xem lại thôi, nó không quá phức tạp như những môn khác nên không phải dành quá nhiều thời gian để nghiền ngẫm.
Ngay từ đầu năm học, khi chưa học hết chương trình nhưng làm đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT, em chỉ sai 1/5 trong tổng số các câu hỏi. Điều này làm em tự tin hơn khi chọn thi môn giáo dục công dân nói riêng và tổ hợp KHXH nói chung”.