Để đạt điểm cao phần nghị luận văn học môn ngữ văn

0
2017
Để làm tốt câu nghị luận văn học, ngoài kiến thức đã học, các em cần nắm phương pháp làm bài.
Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Bài làm có đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Đây là khâu quan trọng trong quá trình làm bài, nếu các em không xác định được vấn đề nghị luận sẽ làm cho bài viết lan man không có trọng tâm, thiếu ý hoặc xa đề, lạc đề.
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
Phần nghị luận văn học đòi hỏi phải nắm kiến thức văn học trong 3 năm học THPT để viết một bài văn dài, trình bày theo kết cấu nêu ở trên, nhưng để làm được bài cần phải đọc kỹ đề, nắm được yêu cầu đề đặt ra, tìm ý cần làm, tránh trường hợp đọc qua loa hiểu sai đề. Phần này có hai dạng đề ta thường gặp, nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi và trong hai năm gần đây thường gặp các dạng đề so sánh như: so sánh hai chi tiết; cảm nhận hai nhân vật; cảm nhận hai đoạn thơ, hai đoạn văn; so sánh, cảm nhận hai ý kiến.
Ví dụ đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân); so sánh cách kết thúc Vợ nhặt với cách kết thúc truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao).
Với đề này có nhiều cách làm khác nhau nhưng cần làm rõ các ý sau: giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận; phân tích những biểu hiện cụ thể của giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm; so sánh với cách kết thúc tác phẩm Chí Phèo; lý giải nguyên nhân tạo nên sự khác nhau trong cách kết thúc; đánh giá chung.
Đây là các ý các em rút ra từ đề bài, có như vậy khi làm bài không thiếu ý, sót ý, lan man. Để bài làm đạt điểm cao, ngoài tìm ý cho bài viết, bài viết cần phải sạch sẽ, rõ ràng, nếu từ ngữ nào không vừa ý dùng thước gạch bỏ, không nên tẩy xóa bằng bút xóa, tránh trường hợp bài làm có hai màu mực, hai loại chữ khác nhau.