Để kỳ thi đi đến thành công, chúng ta phải đảm bảo kỳ thi ấy được tiến hành trung thực, khách quan, khoa học với kết quả phản ánh đúng năng lực và trình độ nhận thức của học sinh; tránh xa mọi sự can thiệp bất chính của ‘bệnh thành tích’.
Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo phương án “2 trong 1”, nhằm cùng một lúc đạt 2 mục tiêu: vừa tốt nghiệp THPT lại vừa tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại: mỗi kiểu thi được tổ chức chỉ đáp ứng mục tiêu duy nhất thích hợp với nó.
Trong cái rủi có cái may, đợt nhà trường đóng cửa nghỉ học dài ngày do dịch COVID-19 bùng phát đã thúc đẩy Bộ GD-ĐT điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” 2020 trở thành kỳ thi tốt nghiệp THPT (nghĩa là chỉ còn duy nhất mục tiêu tốt nghiệp THPT, trả mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ cho quyền tự chủ của các trường này).
Đó không chỉ là một “giải pháp tình thế”, mà chính là một phương án tổ chức thi đúng đắn cần áp dụng lâu dài để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông.
Khi các trường ĐH-CĐ rút khỏi việc tham gia kỳ thi này, trách nhiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đương nhiên thuộc về ngành giáo dục phổ thông các tỉnh thành. Tuy vậy, đây vẫn là kỳ thi “quốc gia” có hiệu lực và giá trị phổ quát trên toàn quốc, chứ không phải là hoạt động khu biệt trong từng địa phương.
Để kỳ thi đi đến thành công, chúng ta phải đảm bảo kỳ thi ấy được tiến hành trung thực, khách quan, khoa học với kết quả phản ánh đúng năng lực và trình độ nhận thức của học sinh; tránh xa mọi sự can thiệp bất chính của “bệnh thành tích”.
Muốn vậy, trước hết cần cải tiến tiêu chuẩn thi đua trong giáo dục, không lấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ở các địa phương và các trường làm thành tích xếp loại thi đua cho cá nhân hay đơn vị, mà lấy sự nghiêm túc, khách quan dẫn tới kết quả thi sát đúng với trình độ thực chất của thí sinh làm tiêu chuẩn đánh giá xếp loại.
Từ đó mới có thể chấm dứt được tệ nạn chạy theo thành tích ảo với tỉ lệ “100% tốt nghiệp”, để chuyển sang thừa nhận những tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn nhưng chính xác và có giá trị đích thực.
Kèm theo đó là những biện pháp kỹ thuật đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi: tăng cường công tác thanh tra – kiểm tra; hoán đổi các hội đồng coi thi và chấm thi giữa các trường hoặc giữa các địa phương… Đồng thời cũng cần có những giải pháp tạo điều kiện dễ dàng cho các thí sinh chưa tốt nghiệp được học và thi lại hay được tuyển dụng vào một số công việc nào đó trong xã hội.
Chuyển đổi kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” với nhiều bất cập thành kỳ thi tốt nghiệp THPT theo khoa học giáo dục là cả một vấn đề lớn và phức tạp, lại được tiến hành trong tình thế bị động và gấp rút về thời gian nên sẽ không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc.
Trong hoàn cảnh này, yếu tố then chốt bảo đảm sự thành công của kỳ thi thuộc về khả năng tổ chức của các cơ quan hữu trách và đạo đức nghiệp vụ của các nhà giáo – chuyên gia giáo dục.