Giáo viên và học sinh TP HCM đánh giá đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017 bám khá sát chương trình, có nhiều tình huống sinh động, phân hóa khá tốt.
Ông Trần Tuấn Anh (giáo viên Toán, Trung tâm giáo dục thường xuyên Gò Vấp, TP HCM) cho rằng, đề tham khảo môn Toán do Bộ Giáo dục mới công bố bao phủ rộng khắp chương trình lớp 12 với cơ cấu từng phần (hàm số, logarit, số phức, hình học…) hợp lý.
Với 50 câu hỏi, đề bài được sắp xếp từ dễ đến khó với nhiều câu rất cơ bản, thí sinh dễ dàng “ẵm” điểm 6-7. Đề cũng yêu cầu thí sinh tư duy, suy luận nhiều hơn, tránh cách học vẹt nên đánh giá kiến thức sẽ sát hơn.
Phân tích sâu đề tham khảo môn Toán, ông Anh nhận định từ câu 1 đến 40 dành cho học sinh trung bình, khá; còn lại là những câu khó dành cho học sinh giỏi, trong đó khó nhất là các câu 44-50. “Tổng thể thì đề thi phân hóa học sinh rất tốt. Với 6 câu hỏi rất khó, sự chênh lệch điểm giữa nhóm học sinh giỏi sẽ không nhiều”, ông Anh nói.
Ở môn Lý, thạc sĩ Lê Thịnh (giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) nhận xét phân loại tốt, thỏa mãn nhiều tiêu chí đặt ra về nội dung, kiến thức, giảm tải áp lực thi cử.
Tương tự môn Toán, đề Lý có nội dung dàn trải chương trình lớp 12 và phân bố theo từng cấp độ học sinh: các câu 1-20 ở mức dễ, 20-36 trung bình – khá, 4 câu còn lại dành cho học sinh giỏi. “Với dạng đề tương tự như vậy, học sinh khó bị điểm liệt, phổ điểm nằm trong phạm vi 6-9”, ông Thịnh dự đoán.
Theo giáo viên này, các câu hỏi hay nhất của đề bài khá sáng tạo, không theo lối mòn nên thí sinh phải nắm vững kiến thức mới có thể làm tốt.
Câu 37 là bài toán khó về con lắc lò xo, liên quan đến lò xo cắt và năng lượng bị thay đổi trong hai giai đoạn khác nhau nên thí sinh phải mất nhiều thời gian giải quyết. Trong khi đó, câu 38 là bài toán điện xoay chiều, đây cũng là phần nội dung khó nhất của chương trình Lý lớp 12.
“Thí sinh phải có kỹ năng đọc đồ thị, vững kiến thức mới nhận biết và phân biệt được đồ thị của đại lượng nào. Cách thực hiện phép toán cũng rất nhiều bước tính”, ông Thịnh phân tích.
Với môn Hóa, ông Nguyễn Đình Độ (Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân) cho là đề thi tham khảo phù hợp với tiêu chí một kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh học lực trung bình nếu nắm vững kiến thức chương trình giáo khoa có thể đạt được điểm 6, học sinh khá đạt điểm 7-8.
“Đề bài cũng có nhiều câu suy luận, gắn với thực tế, đòi hỏi học sinh có kiến thức trong phòng thí nghiệm”, ông Độ cho biết.
Ở đề thi tham khảo môn Khoa học xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân), nhiều giáo viên đánh giá đề bài vừa sức, có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế. Với mỗi đề môn thi thành phần 40 câu đều dành 6-8 câu hỏi mang tính phân loại.
“Đề Địa lý có một số câu hóc búa, đòi hỏi thí sinh biết liên hệ thực tế, có kỹ năng sử dụng Atlat. Với dạng đề này, điểm phổ biến sẽ là 6”, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh) nhận xét.
Trong khi đó, đề môn Văn được nhiều giáo viên đánh giá là hay nhưng hơi khó, dễ khiến học sinh lúng túng. Phần đọc hiểu của đề là vừa sức, dễ hiểu nhưng phần làm văn (chiếm 7 điểm) sẽ tốn nhiều thời gian của thí sinh trong khi thời gian làm bài chỉ có 120 phút.
Thí sinh tại TP HCM ôn tập trước giờ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2017 chiều 14/5, nhiều học sinh ở TP HCM đã thử sức với các đề bài này.
Dùng 50 phút để giải quyết xong môn Lý, Trần Mai Anh (học sinh THPT Đức Trí) so đáp án và chấm cho mình được 7 điểm. “Khoảng 25 câu đầu tiên rất dễ và quen thuộc, nhiều câu không cần tính toán cũng có thể biết được đáp án. Những câu về sau hơi hóc búa, một vài câu em bó tay”, nữ sinh chia sẻ và tự tin với đề tương tự sẽ đạt kết quả tốt ở kỳ thi THPT quốc gia.
Với bài thi Khoa học xã hội, Nguyễn Đức Nam (học sinh THPT An Dương Vương) nhận xét dễ đạt điểm 5-6 nhưng khó đạt điểm trên 7. Theo nam sinh, bên cạnh những câu hỏi dễ ở đề thi Sử, Địa thì có khá nhiều câu khó, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc vấn đề mới không nhầm lẫn giữa các phương án.
“Môn Giáo dục công dân bám sát chương trình nhưng không dễ lấy điểm cao vì đề yêu cầu phải biết phân tích nhiều tình huống thực tế về pháp luật, phải am hiểu thực tế lắm mới biết được”, nam sinh nói.
Riêng môn Văn, nhiều học sinh cùng nhận xét là đề yêu cầu dài, khó hoàn thành đúng thời gian. “Câu 2 của phần làm văn chiếm 5 điểm yêu cầu học sinh phải thuộc nhiều dẫn chứng và liên kết vấn đề. Điều này không phải bạn nào cũng làm được”, một nam sinh trường THPT Lê Hồng Phong cho biết.
Những điều cần biết về kỳ thi THPT quốc gia 2017. |
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay bắt đầu từ 21/6 với 5 bài thi gồm 3 bài độc lập Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 bài tổ hợp là Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên. Trong đó chỉ Ngữ văn thi tự luận, còn lại thi trắc nghiệm.
vnexpress