Nhận xét về đề tham khảo môn ngữ văn và tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố, các giáo viên có chung nhận định đề phân hóa tốt và tránh học tủ để trúng đề.
Môn ngữ văn bao phủ thể loại, tránh học tủ
Với đề tham khảo môn ngữ văn, cô Nguyễn Kim Anh, Giáo viên trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho rằng, đề có cấu trúc hợp lý, là gợi ý quan trọng để giáo viên và học sinh ôn tập trong giai đoạn “nước rút” này.
Theo cô Kim Anh, yêu cầu kiểm tra, đánh giá phù hợp với thực tiễn đổi mới dạy học Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh trong các nhà trường, tránh cách dạy học thuộc máy móc, học tủ, trúng đề.
Cụ thể, ở phần đọc hiểu, ngữ liệu (đoạn trích trong Tìm kiếm niềm đam mê, Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017) được lựa chọn cẩn trọng, công phu, có ý nghĩa sâu sắc, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, năng lực tiếp nhận và khơi gợi hứng thú khám phá của học sinh THPT.
4 câu hỏi được phân giải theo mức độ tăng dần từ dễ đến khó (câu 1, 2 thuộc mức nhận biết; câu 3 thuộc mức thông hiểu; câu 4 thuộc mức vận dụng). Các câu hỏi không chỉ kiểm tra, đánh giá năng lực phát hiện, tìm kiếm, phản hồi lý giải thông tin mà còn yêu cầu học sinh suy ngẫm, rút ra cho mình những bài học từ các vấn đề đặt ra trong văn bản, kết nối, vận dụng vào việc giải quyết vấn đề của bản thân.
Ở phần làm văn, câu 1 thuộc phần nghị luận xã hội yêu cầu dung lượng phù hợp (200 chữ), đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, thể hiện suy nghĩ của cá nhân về vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Đặc biệt, vấn đề cần bàn luận nảy sinh từ ngữ liệu phần đọc hiểu, đảm bảo tận dụng được những nội dung của ngữ liệu đọc hiểu, kết nối phần đọc hiểu và phần làm văn, không gây quá tải cho học sinh trong 120 phút.
Câu 2 thuộc phần nghị luận văn học, yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về các ý kiến đánh giá nhân vật trong tác phẩm văn học thuộc chương trình ngữ văn 12, đảm bảo tính phân hoá, phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. “Đề thi đảm bảo độ bao phủ về thể loại, về các kiểu ra đề, tránh học tủ, ôn tủ”, cô Kim Anh nhận xét.
Môn tiếng Anh có 42% câu hỏi về từ vựng – ngữ pháp
Với đề tham khảo môn tiếng Anh, cô Lưu Kim Hoa, Trường THPT Phùng Khắc Khoan, Hà Nội nhận định, đề thi bao phủ hầu hết kiến thức và kỹ năng cơ bản về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng đọc hiểu và khả năng viết gián tiếp có trong chương trình tiếng Anh lớp 12 hệ 3 năm và 7 năm của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Bài thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát kiến thức trong bộ sách giáo khoa lớp 12 và có độ khó phù hợp với học sinh. Các chủ đề và nội dung thông tin trong các câu hỏi đơn lẻ và cả các bài đọc đều thuộc chủ đề đã học trong chương trình. Đề thi gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm với 4 lựa chọn, có sự phân loại từ dễ đến khó, tương ứng với từng mức độ nhận thức: nhận biết – thông hiểu – vận dụng thấp – vận dụng cao.
Tỷ lệ phân chia giữa các mức độ nhận thức hợp lý trong khoảng: 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản (mức độ nhận biết và thông hiểu); 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao (mức độ vận dụng và vận dụng cao).
Tỷ lệ trên được phân bố đồng đều giữa các kỹ năng và kiến thức được kiểm tra, cụ thể: ngữ âm (4 câu, chiếm 8% số câu hỏi của bài thi); từ vựng – ngữ pháp (21 câu, chiếm 42% số câu hỏi của bài thi); kỹ năng đọc (15 câu, chiếm 30% số câu hỏi của bài thi); kỹ năng viết (8 câu, chiếm 16% số câu hỏi của bài thi); kỹ năng nói (2 câu, chiếm 4% số câu hỏi của bài thi).
Như vậy, có thể thấy đề thi THPT quốc gia tham khảo, coi trọng cả 2 mảng kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, thể hiện ở sự phân chia đều tỷ trọng giữa nội dung về kiến thức và nội dung về kỹ năng trong chương trình. Tỷ lệ phân chia này phù hợp với mục đích đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, đồng thời đáp ứng được tính đa mục đích của bài thi.
Thanh niên