Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ có độ phân hóa cao hơn

0
1557

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong phiên trả lời chất vấn kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cho hay sẽ khắc phục tính phân hóa trong các câu hỏi và các bài thi trắc nghiệm thi THPT quốc gia.

Tại phiên trả lời chất vấn kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV mới đây, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi tới người đứng đầu ngành giáo dục: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 đã thành công và giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh, tuy nhiên mức độ phân hóa chưa được tốt, có rất nhiều học sinh vẫn đạt điểm tuyệt đối. Vậy giải pháp sắp tới như thế nào?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: “Năm vừa rồi là đúng, vì năm đầu tiên thực hiện đổi mới phương thức thi trắc nghiệm. Do vậy, thứ nhất về mặt kinh nghiệm để xây dựng các câu hỏi chuẩn hóa và khi xây dựng các bài thi chuẩn hóa thì độ phân hóa của các câu hỏi, bài thi cũng ở mức độ chưa được như mong muốn. Khắc phục điều này, năm 2018 chúng tôi có chỉ đạo nhóm tác giả và các giáo viên xây dựng đề thi khắc phục để làm sao các câu hỏi chuẩn xác, bám sát vào nội dung của lớp 12 và của lớp 11 để xây dựng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, năng lực của học sinh trên cơ sở phân hóa để chọn được những học sinh có học lực tốt hơn vào các trường đại học, cao đẳng. Chúng tôi khắc phục được một phần tính phân hóa trong các câu hỏi và các bài thi trắc nghiệm”.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã gây nhiều thắc mắc về việc Bộ dùng các câu hỏi trong đề thi chính thức của kỳ thi cho khoảng 20.000 học sinh lớp 12 thi thử.

“Cử tri cho rằng Bộ GD-ĐT đã vi phạm về bảo mật bí mật nhà nước, không đảm bảo sự công bằng đối với các thí sinh không tham gia thi thử. Xin Bộ trưởng cho biết việc làm này có vi phạm pháp luật không, hướng xử lý như thế nào?”, vị này nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích: “Nếu theo phương thức ra đề tự luận, đúng là đề này do một nhóm người. Nhưng đây là thi trắc nghiệm trên một diện rộng thì quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa rất công phu, thực hiện 9 bước và các quy trình rất nghiêm ngặt, phải có thử nghiệm. Khi xây dựng các câu hỏi chuẩn hóa lại sang bước thứ 2 là bài thi, khi chọn bài thi lại quay trở về phải làm nghiêm ngặt.

Chúng tôi đã tổ chức tạm gọi là một trại để các chuyên gia chọn câu hỏi chuẩn hóa để xây dựng các bài thi chuẩn hóa, bắt đầu làm việc từ đầu tuần vừa rồi. Như vậy các bước đều thực hiện rất nghiêm ngặt, đúng quy trình quốc tế là theo quy trình xây dựng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến đang thực hiện”