Đề thi THPT quốc gia 2019 môn Ngữ Văn: Đề hay, bám sát SGK và có tính phân loại cao

0
1283

Theo nhận xét của một số giáo viên, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Sáng 25/06, gần 900.000 thí sinh trên cả nước đã bước vào môn thi đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đề thi môn Văn năm nay khiến rất nhiều thí sinh sốc và bất ngờ vì rơi vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.

ThS Hồ Hoài Khanh – Giáo viên Ngữ văn tại trường THPT Đông Đô TPHCM nhận xét đề thi THPT Quốc gia năm 2019 có cấu trúc giống với những năm trước đó và đúng với tinh thần mà đề thi minh họa Bộ đã công bố trước kì thi.

Đề thi thật sự hay bởi những khía cạnh sau:

1. Phần đọc hiểu là một văn bản thơ (Trước biển – Vũ Quần Phương) và phần nghị luận văn học là một văn bản bút kí (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường), điều này giúp đề thi đánh giá được trọn vẹn khả năng cảm thụ văn học của thí sinh một cách đầy đủ nhất ở cả hai thể loại văn học (thơ và văn xuôi).

2. Câu đọc hiểu và câu nghị luận xã hội vừa sức để thí sinh khối KHTN dễ dàng vượt qua và hoàn thành mục tiêu tốt nghiệp. Riêng câu Nghị luận văn học có tính phân loại rất cao dành cho thí sinh khối KHXH xét vào Đại học. Bởi lẽ, Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường vốn là bút kí và lại mang đậm tính tùy bút nên không dễ dàng vượt qua với những thí sinh đọc hời hợt. Chưa kể đến là yêu cầu đề chỉ là một lát cắt duy nhất – vẻ đẹp sông Hương nơi thượng nguồn, chính phạm vi hẹp đó khiến các thí sinh không đầu tư cho tác phẩm khó có thể vùng vẫy được ngòi bút của mình.

Cô Phạm Thị Thu Phương – GV Tuyensinh247.com cho biết cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là văn bản thơ “Trước biển” của tác giả Vũ Quần Phương. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến các vấn đề ý nghĩa, có hiệu quả trong việc đánh giá năng lực của học sinh.

Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận được rút ra từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu là sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về sức mạnh ý chí của con người, nêu được những ý nghĩa lớn lao của sức mạnh ý chí, biết phê phán những biểu hiện thiếu ý chí và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Vấn đề nghị luận thuộc kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương qua một đoạn trích trong văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả.

Một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt!

Nhìn chung, đề thi THPTQG môn Ngữ Văn của Bộ Giáo dục & Đào tạo Hà Nội được công bố vào ngày 25/06/2019 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao.Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.