Mới đây, trường ĐH Kinh tế TPHCM và trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) đã công bố những thông tin tuyển sinh dự kiến mới nhất của năm 2021.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM tuyển 29 ngành
Tuần qua, trường ĐH Kinh tế TPHCM đã công bố thông tin tuyển sinh ĐH dự kiến của năm 2021. Trong đó, cơ sở tại TPHCM tuyến sinh 5.850 chỉ tiêu với 29 ngành và chuyên ngành, phân hiệu Vĩnh Long tuyển 500 chỉ tiêu cho 10 ngành và chuyên ngành.
Đáng chú ý, tại phân hiệu Vĩnh Long có 4 ngành tuyển sinh toàn quốc gồm: Kinh doanh nông nghiệp, Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh. Các ngành còn lại ưu tiên tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú tại 13 tỉnh ĐBSCL bao gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Với thí sinh trúng tuyển vào chương trình đại trà, sau khi học 2 học kỳ sẽ được xét vào một trong các chuyên ngành thuộc ngành trúng tuyển (đối với ngành trúng tuyển có nhiều chuyên ngành), căn cứ vào nguyện vọng, chỉ tiêu và kết quả học tập.
Chương trình cử nhân chất lượng cao gồm: Kinh tế đầu tư, thẩm định giá và quản trị tài sản, kinh doanh thương mại, marketing, kiểm toán, luật kinh doanh, quản trị, kinh doanh quốc tế, ngoại thương (tài chính, ngân hàng, kế toán doanh nghiệp).
Dưới đây là thông tin tuyển sinh của từng ngành trong năm 2021:
Lưu ý, các tổ hợp xét tuyển gồm:
Tổ hợp A00: Toán, vật lý, hóa học
Tổ hợp A01: Toán, vật lý, tiếng Anh
Tổ hợp D01: Toán, ngữ văn, tiếng Anh
Tổ hợp D07: Toán, hóa học, tiếng Anh.
Tổ hợp D96: Toán, khoa học xã hội, tiếng Anh
Tổ hợp V00: Toán, vật lý, vẽ mỹ thuật
Trường ĐH Công nghệ thông tin xét tuyển thêm tổ hợp chứa môn tiếng Nhật
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng đã công bố thông tin tuyển sinh dự kiến 2021, trong đó có 6 cách thức xét tuyển. Điểm mới đáng chú ý là xét tuyển thêm tổ hợp có chứa môn tiếng Nhật.
Theo phương thức tuyển sinh 2021 dự kiến vừa công bố, Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM sẽ có 6 cách thức xét tuyển.
Phương thức 1 là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TPHCM. Đối tượng xét là học sinh các trường chuyên, năng khiếu của các trường ĐH thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh các trường phổ thông thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT cao nhất cả nước (theo danh sách do ĐH Quốc gia TP.HCM công bố).
Phương thức 3 là xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2021.
Phương thức 4 là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07 (điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp môn xét tuyển, không nhân hệ số, cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).
Riêng ngành công nghệ thông tin (chất lượng cao định hướng Nhật Bản) xét tuyển thêm tổ hợp D06 (gồm các môn: toán, văn, tiếng Nhật).
Phương thức 5 là xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín. Năm 2020, phương thức này xét 2 nhóm thí sinh khác nhau. Nhóm 1 (xét tuyển vào tất cả các ngành) xét thí sinh người Việt Nam tốt nghiệp THPT Việt Nam hoặc nước ngoài; Nhóm 2 (chỉ xét tuyển vào chương trình tiên tiến ngành hệ thống thông tin – học bằng tiếng Anh), xét thí sinh người nước ngoài tốt nghiệp THPT nước ngoài.
Điều kiện chung: Có hạnh kiểm tốt trong các năm học ở THPT; Tối thiểu đạt danh hiệu học sinh khá trong tất cả các năm học THPT; Có chứng chỉ quốc tế thỏa một trong những điều kiện sau: Chứng chỉ SAT có điểm từ 510 trở lên cho mỗi phần thi; Chứng chỉ ACT có điểm trung bình từ 21 trở lên; AS/A level có điểm từ C-A cho mỗi môn thi; Các văn bằng, chứng chỉ quốc tế uy tín khác được hội đồng tuyển sinh chấp thuận.
Phương thức 6 là xét tuyển theo tiêu chí riêng của chương trình liên kết với ĐH đối tác nước ngoài cho 2 ngành: Khoa học máy tính, mạng máy tính và an toàn thông tin.
Dưới đây là thông tin tuyển sinh của từng ngành:
Theo Báo Dân Trí