Thí sinh Nghệ An dự thi THPT quốc gia 2017. Theo phân chia khu vực ưu tiên của Bộ GD-ĐT, tất cả thí sinh Nghệ An được ưu tiên từ 0,5-1,5 điểm – Ảnh: DOÃN HÒA |
TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Nên giảm ưu tiên khu vực
Thật ra, các quy định về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay về cơ bản không khác gì so với năm 2016. Vậy vì sao tất cả các trường lẫn thí sinh đều đặt vấn đề phải xem lại chính sách ưu tiên này?
Theo tôi, thứ nhất, hiện nay ở những ngành “nóng”, những trường thu hút thí sinh, số thí sinh được cộng điểm ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên khu vực chiếm tỉ lệ khá lớn (ưu tiên đối tượng không nhiều).
Thứ hai, năm nay phổ điểm cao, và ở phân khúc điểm cao tập trung khá nhiều thí sinh.
Thứ ba, điểm chuẩn năm nay được quy định làm tròn đến 0,25 điểm. Kỳ xét tuyển với gần 1 triệu thí sinh tham gia trên cả nước, vì thế khoảng cách phải được chia rất nhỏ để có sự phân cách thí sinh, nếu cách nhau nửa điểm lên tới hàng trăm thí sinh.
Do vậy, với mức điểm ưu tiên cách nhau 0,5 điểm, trong khi mức điểm chuẩn chỉ cách nhau 0,25 điểm sau khi làm tròn, dẫn đến hiện tượng các thí sinh điểm cao chồng lấn lên nhau trong vùng xét tuyển rất lớn.
Tôi cho rằng chính sách ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng vẫn phải được tiếp tục. Chính sách này nhằm hỗ trợ cho các vùng miền còn khó khăn có thể phát triển nguồn nhân lực. Nhưng trong bối cảnh hiện nay cần có khảo sát để có thể điều chỉnh, sắp xếp lại các khu vực thực sự cần được ưu tiên. Đồng thời, cần phải điều chỉnh mức điểm ưu tiên.
Với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và bối cảnh tình hình tuyển sinh như hiện nay, có lẽ cần tính đến việc điều chỉnh lại mức điểm giãn cách giữa các khu vực ưu tiên. Theo đó, mức điểm giãn cách giữa các khu vực là 0,5 điểm hiện tại cần tính toán giảm xuống còn 0,25 điểm là phù hợp.
Ông Ka Ba Thành (trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum):
Việc cộng điểm theo vùng là cần thiết và hợp lý
Toàn tỉnh Kon Tum thuộc diện vùng 1, được cộng 1,5 điểm ưu tiên. Với một tỉnh nằm ở cực bắc Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số chiếm trên 53% dân số toàn tỉnh, trình độ dân trí còn thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc cộng điểm theo vùng là rất cần thiết và hợp lý.
Điều này nhằm tạo điều kiện cho Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên từng bước phấn đấu theo kịp với vùng đồng bằng, vùng kinh tế phát triển…
Ông Lương Thanh Hải (trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An):
Cần thu hẹp diện hưởng ưu tiên cho sát thực tế hơn
Cần phải thấy rằng học sinh ở những vùng xa xôi, khó khăn học trong điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập thiếu thốn, thì khi tham gia một kỳ thi chung, kết quả có thể thấp hơn những học sinh học ở môi trường học tập đầy đủ hơn.
Việc cộng điểm ưu tiên sẽ tạo cơ hội để những thí sinh nói trên đạt mức điểm xấp xỉ với các bạn khác, tăng cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, đây là một chính sách chung công bằng.
Tuy nhiên, ở góc nhìn người làm chính sách dân tộc, tôi vẫn cho rằng cần thu hẹp diện hưởng ưu tiên lại cho sát thực tế hơn. Điều này giúp cho những nơi thực sự thiếu thốn, khó khăn, những nơi xứng đáng được ưu tiên sẽ được hưởng ưu tiên một cách đàng hoàng, đến nơi đến chốn.
Còn những nơi trước đây đang được hưởng ưu tiên nhưng nay đã thay đổi, điều kiện sống tốt hơn, theo kịp các vùng đô thị thuận lợi, thì thôi không ưu tiên nữa. Như vậy, chính sách ưu tiên mới thực sự công bằng.
Tại Nghệ An, trước đây có 107 xã được hưởng ưu tiên KV1 trong tuyển sinh, nhưng nay chỉ còn 99 xã được hưởng mức ưu tiên này.
Ông Triệu Văn Lạng (trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn):
Chính sách đã ổn định, lâu dài
Tôi cho rằng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh là chính sách tương đối ổn định, và cần thiết duy trì để tạo cơ hội cho các em học sinh ở vùng khó khăn có cơ hội học tập tốt hơn.
Tuy nhiên, trước những ý kiến về chính sách ưu tiên năm nay, nếu cần kiến nghị thì có lẽ Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu để tổ chức kỳ thi quốc gia năm tới tốt hơn, không để xảy ra việc ngay cả những thí sinh điểm rất cao nhưng không có điểm ưu tiên cũng có nguy cơ trượt ĐH.
TTO