Sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tin về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi nhanh với đại diện các trường đại học.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) lưu ý rằng tiêu cực có thể xảy ra ở các điểm tập kết bài thi.
Theo ông Dũng, tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia ngoài việc xảy ra tại một số sở GD-ĐT trong khâu chấm thi thực tế còn xảy ra ngay tại các điểm tập kết bài thi. Có cả tình trạng tô lại phiếu trả lời trắc nghiệm, đưa vào túi đựng bài thi và niêm phong lại ngay tại điểm thi các trường THPT.
Chủ trương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình là điều rất nên làm vì sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế tiêu cực.
Việc Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ là thông tin các trường ĐH rất hoan nghênh.
Làm như vậy kết quả của kỳ thi càng được tin tưởng hơn và các trường cũng yên tâm sử dụng kết quả này để xét tuyển. Các trường ĐH tham gia chủ trì khâu chấm thi không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các trường.
Còn ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), thì dành sự quan tâm cho đề thi và việc chấm thi.
Cụ thể, về độ khó của đề thi, theo ông Quán thì dù gì đi nữa các trường ĐH sẽ phải tuyển sinh dựa vào điểm thi THPT quốc gia nên độ khó của đề cũng ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh của các trường.
Về chấm thi, dự kiến sẽ không sử dụng giáo viên địa phương (nơi tổ chức thi) để chấm thi, mã hóa bài thi, lắp camera tại các phòng chấm thi, nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm… như vậy hạn chế được việc gian lận trong việc chấm thi và đảm bảo tính nghiêm túc trong tất cả các khâu của một kỳ thi quốc gia.
ThS Phùng Quán lưu ý khi lắp camera chú ý nguồn điện dự trữ cho các thiết bị này.
Trong khi đó, ThS Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng nên tập trung lại thành các điểm chấm lớn.
Ông Sơn cho rằng trong chấm trắc nghiệm ngoài việc tăng cường công tác bảo mật thông qua biện pháp kỹ thuật thì việc chấm tập trung, sau đó điểm chấm gửi trực tiếp dữ liệu về Bộ GD-ĐT để tổng hợp và trả kết quả về các sở GD-ĐT để tổng hợp chung bài tự luận sẽ là biện pháp an toàn.
Các trường ĐH cũng kiểm soát chặt việc thống nhất phương án chấm dựa trên đáp án, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và giám sát việc chấm kiểm tra sẽ ngăn ngừa được tình trạng “lỏng” trong công tác chấm thi.
Tuy nhiên, việc chấm trắc nghiệm nên tập trung lại thành các điểm lớn do Bộ GD-ĐT chủ trì như những năm còn thi “3 chung”, chứ nếu rải ra nhiều điểm chấm do các trường ĐH chủ trì tổ chức thi ở các tỉnh thì sẽ rất tốn kém.
Do chấm trắc nghiệm nhanh nên gom lại thành các điểm tập trung ở các thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng…
“Ví dụ như ở các tỉnh ĐBSCL gom bài thi về Trường ĐH Cần Thơ, các tỉnh miền Đông và TP.HCM gom về ĐH Quốc gia TP.HCM” – ThS Phạm Thái Sơn gợi ý.
Theo Tuổi Trẻ