Trong số các trường có dự đoán điểm chuẩn, thì nhiều ngành hot của trường năm nay vẫn có thể nhích nhẹ, dù năm ngoái điểm chuẩn đã cao chót vót.
1. Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Báo truyền hình và Báo mạng điện tử có thể sẽ có điểm chuẩn nhích nhẹ
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, theo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của các thí sinh năm nay, nhìn chung, điểm chuẩn các nhóm ngành Báo chí và Truyền thông xu hướng sẽ tăng cao hơn năm ngoái, đặc biệt ở khối thi D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh).
PGS.TS Trường Giang lý giải, điểm thi khối D01 có thể sẽ tăng cao so điểm thi môn tiếng Anh của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nhiều thí sinh có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ xét tuyển đại học ở Việt Nam thay vì đi du học.
Về điểm chuẩn đối với 8 chuyên ngành Báo chí thuộc Học viện dự báo về cơ bản, điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều so với năm ngoái.
“Tuy nhiên, các chuyên ngành Báo truyền hình và Báo mạng điện tử có thể sẽ có điểm chuẩn nhích nhẹ”, bà Giang cho hay.
Đối với nhóm ngành Lý luận chính trị thì điểm chuẩn sẽ ổn định, ít biến động so với năm 2020.
2. Điểm chuẩn các trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Nếu thay đổi điểm chuẩn, rơi vào các tổ hợp khối D
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, theo quan sát chung, phổ điểm các môn thi tốt nghiệp năm 2021 không quá nhiều khác biệt so với năm 2020, điểm trung bình và điểm trung vị có dao động lên và xuống nhẹ ở các môn.
Đối với các tổ hợp thuộc khối C và D truyền thống, dự kiến điểm chuẩn vào các trường có lẽ sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào, nếu có sẽ rơi với các tổ hợp khối D.
Dự kiến điểm chuẩn năm 2021 đối với 31 chương trình tuyển sinh của trường về căn bản sẽ như phổ điểm của năm 2020, đặc biệt là khi chỉ tiêu và số nguyện vọng đăng ký năm 2021 vào các chương trình về căn bản không khác biệt gì so với năm trước đó.
3. ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo phổ điểm công bố của Bộ GD-ĐT, so sánh với phổ điểm tương ứng năm 2020 thì phổ điểm của 3 khối A00, A01, B00 năm nay có một số thay đổi nhỏ.
Cụ thể, đối với khối A00, đỉnh (tổng điểm có nhiều thí sinh nhất) là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình giảm hơn so với năm 2020 nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17 – 25 điểm cao hơn so với năm 2020.
Từ những đánh giá về phổ điểm các khối thi chính sử dụng để xét tuyển vào ĐH Khoa học tự nhiên, thầy Linh dự báo điểm chuẩn các ngành Khoa học tự nhiên cơ bản giữ nguyên, một số ngành có điểm chuẩn năm 2020 ở mức 20 – 23 điểm có thể tăng nhẹ.
4. ĐH Ngoại thương: Vẫn giữ như năm 2020
Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, qua phân tích phổ điểm các khối tuyển sinh đầu vào của trường như A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), thấy rằng, số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên có nguyện vọng đăng ký vào trường tăng cao hơn năm ngoái.
Tuy nhiên thực tế, có một số lượng lớn thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT nhưng đã trúng tuyển và xác định trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh khác của các trường. Do đó, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho rằng, dù phổ điểm tăng cao nhưng dự kiến điểm trúng tuyển năm 2021 của ĐH Ngoại thương vẫn sẽ giữ ổn định như năm 2020. Các ngành có mức điểm chuẩn tương đương nhau, chênh lệch không nhiều, chỉ từ 0,5-1 điểm.
5. ĐH Kinh tế quốc dân: Có thể tăng nhẹ
PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường là 20 điểm, đã bao gồm điểm ưu tiên và khu vực. Dựa vào mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng, điểm chuẩn năm nay vẫn sẽ cao nhưng sẽ không tăng quá cao. Một số ngành “hot” có thể tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm. Do đó thí sinh có thể dựa vào điểm thi năm ngoái để điều chỉnh nguyện vọng.
6. HV Tài chính: Một số ngành có thể nhích lên tới 1 điểm
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, năm 2020, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 24,4 xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, năm nay mức điểm chuẩn thấp nhất cũng sẽ tương đương năm ngoái. Một số ngành khác điểm chuẩn có thể “nhích” lên từ 0,5-1 điểm so với năm 2020. Ngoài ra, dự kiến điểm chuẩn chương trình chất lượng cao cũng sẽ tăng.
7. Trường Đại học Hà Nội dự kiến tăng 1-2 điểm
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Hà Nội cho biết: “Dự kiến nhiều ngành tuyển sinh năm 2021 của trường có điểm chuẩn tăng 1 – 2 điểm”.
“Sở dĩ có dự báo điểm chuẩn tăng 1 – 2 điểm so với năm ngoái bởi số lượng điểm 10 môn tiếng Anh của đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 rất nhiều, cao gấp 18 lần so với năm ngoái. Theo kinh nghiệm tuyển sinh, những em lựa chọn vào Trường Đại học Hà Nội chủ yếu học chuyên ngữ, tổ hợp ngoại ngữ. Đây là những nhân tố đẩy điểm chuẩn lên cao”, TS Dũng phân tích.
8. Đại học Bách khoa Hà Nội: Điểm chuẩn các ngành top đầu vẫn có thể nhích lên
GS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, với các ngành top đầu như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu (năm ngoái lấy 29,04 điểm), năm nay xét tuyển sẽ bớt căng thẳng do môn Toán, Lý, Hóa, những môn chủ đạo trong tổ hợp xét tuyển của trường, có ít điểm 10.
“Dù vậy, điểm chuẩn các ngành top đầu vẫn có thể nhích lên”, ông Điền nói.
9. Điểm chuẩn Đại học Giao thông vận tải có thể tăng đến 1,5 điểm
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho hay, năm nay, theo đánh giá chung, phổ điểm thi có cao hơn năm ngoài, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH cũng tăng khá.
Vì thế, có thể chia các ngành của Trường ĐH Giao thông vận tải làm 3 nhóm:
Các ngành có điểm trúng tuyển năm ngoái dưới 20 điểm có thể năm nay sẽ tăng khoảng từ 1-1,5 điểm. Tuy nhiên đối với khối ngành kỹ thuật có thể tăng không đáng kể, khoảng 0,5 điểm.
Các nhóm ngành có điểm chuẩn trúng tuyển từ 20 đến 23 điểm thì năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng trong khoảng 1 điểm.
Các ngành vào nhóm điểm chuẩn top đầu thì điểm sẽ không tăng nhiều so với năm trước.
10. Trường Đại học Y Hà Nội: Nhiều khả năng không tăng
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn năm nay của trường nhiều khả năng không tăng hơn năm trước.
Tổng chỉ tiêu năm nay của 3 trường Y Dược lớn của cả nước chỉ khoảng 900. Trong khi đó, số thí sinh đạt từ 28,1 điểm trở lên ở tổ hợp B00 là 686. Con số này chưa kể số thí sinh được cộng điểm đối tượng, điểm khu vực, điểm khuyến khích chứng chỉ ngoại ngữ, còn tổng chỉ tiêu của các trường chưa tính số lượng thí sinh tuyển thẳng.
11. Trường ĐH Y dược TP.HCM: Không nhiều biến động
Theo ông Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, đề thi được đánh giá là an toàn cho thí sinh để đảm bảo mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học trong điều kiện dịch COVID-19.
“Với đề thi như vừa qua, nhiều khả năng điểm chuẩn của trường năm nay sẽ không nhiều biến động, vì điểm trúng tuyển nhiều ngành của trường năm ngoái đã rất cao rồi”, ông Khôi dự báo. Điểm chuẩn của trường năm 2020 từ 19 đến 28,45 (đã cộng điểm ưu tiên về khu vực, đối tượng), trong đó ngành y đa khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 28,45.
12. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Không có nhiều thay đổi
Theo lãnh đạo nhà trường, khả năng điểm chuẩn năm nay của trường không có nhiều thay đổi so với năm 2020. Nhà trường sẽ tính toán phương án để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh phải thi tốt nghiệp đợt 2.
13.Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Có thể nhích nhẹ
Với độ khó của đề như năm nay, cộng với nhiều trường đã dành chỉ tiêu cho các phương thức khác ngoài phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến điểm chuẩn vào các trường năm 2021 bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng chút ít so với năm 2020. Đặc biệt với các nhóm ngành kinh doanh – quản lý, công nghệ thông tin có thể tăng từ 0,5-1 điểm.
Theo Báo Tiền Phong