Dùng hay không quyền được điều chỉnh nguyện vọng?

0
1455
TTO – Đây là băn khoăn của đa số thí sinh khi năm nay Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.

Ngày 19-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2017, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh ĐKXT một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.

Vậy khi nào thì cần thiết điều chỉnh nguyện vọng? Ông Ga chia sẻ: Qui chế tuyển sinh năm 2017 qui định nguyên tắc xét tuyển: đối với các ngành/trường thì việc xét tuyển được thực hiện bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng; còn đối với thí sinh thì ưu tiên trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Vì thế, nếu thí sinh đã suy nghĩ kỹ để chọn ngành/trường khi làm thủ tục dự thi thì hầu như không cần thiết phải điều chỉnh nguyện sau khi có kết quả thi.

“Chắc chắn trước khi làm thủ tục dự thi, thí sinh nào cũng có ước mơ, hoài bão vào học các ngành/trường mà mình yêu thích. Các em hãy mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành/trường mà mình yêu thích nhất, sau đó đăng ký vào các ngành/trường khác theo thứ tự các nguyện vọng tiếp theo.

Khi xét tuyển, nếu không trúng tuyển nguyện vọng cao thì các em sẽ được xét tuyển vào các nguyện vọng thấp hơn, phụ thuộc vào kết quả thi của các em”- ông Ga nói.

Ví dụ: Thí sinh A đăng ký nguyện vọng 5 có kết quả thi 20 điểm, thí sinh B đăng ký nguyện vọng 1 có kết quả 18 điểm vào ngành X.

Nếu điểm chuẩn vào ngành X là 19 điểm thì thí sinh A trúng tuyển (dù đã đăng ký nguyện vọng 5) còn thí sinh B trượt (dù đã đăng ký nguyện vọng 1).

Nếu thí sinh A ngoài trúng tuyển nguyện vọng 5 vào ngành X còn trúng tuyển các nguyện vọng 3, nguyện vọng 6 vào các ngành/trường khác thì thí sinh này chỉ được gọi trúng tuyển duy nhất vào nguyện vọng 3 (nguyện vọng cao nhất trong 3 nguyện vọng đã trúng tuyển).

Như vậy nếu thí sinh đã có định hướng sẵn về việc chọn ngành/trường thì chỉ cần đăng ký nguyện vọng một lần khi làm thủ tục dự thi là được mà không cần phải điều chỉnh gì sau khi có kết quả thi.

Chỉ nên điều chỉnh khi điểm thi cao hơn nhiều so với dự kiến

Điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi chỉ xảy ra đối với những trường hợp cá biệt, ví dụ thí sinh có kết quả thi cao hơn nhiều so với kết quả dự kiến.

Chẳng hạn thí sinh dự kiến thi được 21 điểm nên đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành/trường có điểm chuẩn xung quanh mức điểm này. Nay kết quả thi 25 điểm nên cần điều chỉnh nguyện vọng 1 vào ngành/trường có mức điểm cao hơn mà thí sinh chưa nghĩ tới trước khi thi.

Hoặc trước khi thi thí sinh đăng ký các ngành thuộc khối kinh tế quản lý, nay thấy khối ngành kỹ thuật phù hợp với sở trường hơn nên cần thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.

“Quy chế tuyển sinh năm nay đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, hướng cho thí sinh chọn được ngành/trường mà mình yêu thích để học tập có kết quả tốt.

Ngay từ bây giờ các em nên suy nghĩ định hướng việc chọn ngành/trường để khi làm thủ tục dự thi, các em có được danh sách các nguyện vọng phù hợp nhất.

Sau đó các em yên tâm chờ đợi kết quả xét tuyển vào đại học mà không cần thiết phải bận tâm điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi”, ông Ga nhấn mạnh.

Theo TTO