Dùng học bạ xét tuyển nếu điểm thi không cao

0
1548

Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2017, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH song song với đăng ký dự thi THPT quốc gia. Số nguyện vọng, số trường không giới hạn, đồng thời thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi…

Em Quỳnh Như (học sinh lớp 12) đang đặt câu hỏi với Ban tư vấn

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Phước Kiển (TP.HCM), TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra nhiều lưu ý cho học sinh.

Xem xét kỹ các tiêu chí xét tuyển

TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết đến khoảng tháng 7, thí sinh sẽ biết kết quả thi THPT quốc gia, dựa vào đây các em có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký cần xem xét kỹ các tiêu chí, làm sao để ngành mình yêu thích được xét tuyển.

Ông Nghĩa khuyên học sinh Trường THPT Phước Kiển: “Năm nay, điểm sàn xét tuyển ĐH vẫn được duy trì. Vì thế những học sinh nào có kết quả kỳ thi THPT quốc gia mức tốt thì dùng điểm thi để xét, ngược lại các em nên dùng học bạ để xét tuyển. Bởi dựa vào kết quả khảo sát năm học trước, điểm sàn chung ở mức 15 nhưng hầu hết học sinh Trường THPT Phước Kiển chỉ đạt khoảng 11,5 điểm”.

Các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, các trường hợp được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm: Thứ nhất, thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thứ hai, thí sinh có một trong các chứng chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 20-6-2017:

Thí sinh được sử dụng chứng chỉ môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông để được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017.

PV

Kể từ năm học này, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý các trường ĐH và trường CĐ thuộc khối ngành sư phạm, còn lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Trước những thay đổi này, em Hải My (lớp 12C1) hỏi: “Em muốn học ĐH sư phạm hóa, nhưng nếu chẳng may bị rớt thì em có thể học CĐ sư phạm rồi liên thông lên ĐH được không?”. Một học sinh khác hỏi thêm: “Ngoài trường ĐH sư phạm thì còn trường nào đào tạo ngành giáo dục mầm non. Sau khi học xong CĐ em có thể liên thông lên ĐH sư phạm được không?”. Giải đáp hai câu hỏi trên, ông Nghĩa cho biết hiện các trường ĐH sư phạm không đào tạo ngành hóa ở bậc CĐ. Nếu không trúng tuyển vào trường ĐH sư phạm thì học sinh có thể liên hệ các trường CĐ có đào tạo ngành này để đăng ký xét tuyển. Đây là các trường thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý, phần lớn xét tuyển thông qua học bạ THPT. Đối với ngành mầm non có Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM đào tạo. Kể từ năm 2016, các trường ĐH được phép tổ chức liên thông, sau khi tốt nghiệp CĐ, muốn liên thông vào ngành nào của trường ĐH nào thì học sinh liên hệ trực tiếp đến trường ĐH đó để đăng ký.

Nhiều ngành đòi hỏi phải sử dụng tiếng Anh để học

Nhằm đào tạo ra những sinh viên năng động, có tác phong công nghiệp cao cũng như sử dụng được ngoại ngữ, nhiều trường ĐH đã và đang đưa tiếng Anh vào sử dụng trong quá trình đào tạo. Đặc biệt các ngành liên quan đến khối ngành dịch vụ, khoa học kỹ thuật, các lĩnh vực liên kết nước ngoài. Đây cũng là những ngành được nhiều học sinh Trường THPT Phước Kiển quan tâm, tuy nhiên trở ngại lớn mà các em đưa ra vẫn là tiếng Anh.

Một học sinh hỏi: “Em muốn theo học ngành Luật Quốc tế nhưng không biết quá trình đào tạo ra sao? Cơ hội nghề nghiệp như thế nào? Đặc biệt, khả năng sử dụng tiếng Anh không tốt có nên theo ngành này không?”. Một học sinh khác quan tâm đến ngành kỹ thuật không gian, nhưng lại không biết trường nào đào tạo và có đòi hỏi sử dụng tiếng Anh trong quá trình học không?

Lời khuyên cho thí sinh đăng ký xét tuyển

Trước hết, thí sinh cần xác định ngành nghề mà mình yêu thích (có sở trường, có khả năng và mong muốn được làm việc). Sau đó xác định những trường đang đào tạo ngành nghề đó để lựa chọn từ 1 đến 3 trường phù hợp, một trường ở mức cao hơn khả năng có thể đạt được để phấn đấu, một trường ở mức trung bình, bằng với khả năng của thí sinh và một trường ở mức hơi thấp hơn khả năng để đề phòng rủi ro.

Bà Hoàng Thị Hồng Hà (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết: “Tất cả các ngành học của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM đều sử dụng tiếng Anh như một nền tảng cơ bản trong giảng dạy. Mục đích nhằm tạo môi trường cho sinh viên thực hành tiếng Anh, khắc phục hạn chế các năm học phổ thông thiếu môi trường sử dụng. Đối với Luật Quốc tế, thiên về Luật Kinh doanh quốc tế là ngành mà trường đang có dự kiến mở. Hình thức xét tuyển bằng học bạ hoặc kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi tốt nghiệp, tân cử nhân muốn làm việc với tư cách luật sư thì phải học thêm và tham gia vào đoàn luật sư thì mới hành nghề tại tòa án được. Còn lại có thể đảm nhiệm công việc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn như chuyên gia tư vấn pháp lý, tư vấn pháp luật tại các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài, hoặc làm việc tại các công ty nước ngoài… và hiển nhiên đòi hỏi người học phải giỏi tiếng Anh”.

Riêng ngành kỹ thuật không gian, TS. Nguyễn Đức Nghĩa thông tin, năm 2016 lần đầu Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh với chỉ tiêu không nhiều và đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngành học này khá mới mẻ, liên quan đến khoa học vũ trụ, trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh như xử lý, phân tích tín hiệu vệ tinh, công nghệ viễn thám, định vị vệ tinh. Ngành này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong ứng dụng công nghệ vệ tinh vào đời sống, quản lý tài nguyên môi trường, lãnh thổ, biển đảo, an ninh quốc phòng. Năm nay tổ hợp môn đăng ký xét tuyển gồm khối A (toán – lý – hóa) và A1 (toán – lý – tiếng Anh).

Theo GDonline