Được đăng ký đến… 20 nguyện vọng vào ĐH?

0
2305

Thí sinh có thể đăng ký 1-20 nguyện vọng (NV), nhưng sắp xếp thế nào để khả năng trúng tuyển cao nhất và ít lãng phí nhất? 

Đó là mối quan tâm của nhiều thí sinh khi đặt câu hỏi với các chuyên gia tại buổi tư vấn trực tuyến Cách chọn các NV xét tuyển đợt 1 chính xác nhất, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 9-4.

Ban tư vấn gồm: PGS.TS Trần Anh Tuấn (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT), TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM), TS Phạm Mạnh Hà (chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh) và đại diện các trường ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghệ TP.HCM, CĐ Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Tường, ĐH Ngân hàng TP.HCM và ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM.

NV1 nên là ngành 
yêu thích nhất

Với quy định không hạn chế số lượng NV đăng ký xét tuyển ĐH, nhiều thí sinh chia sẻ mình sẽ đăng ký 10, thậm chí 15-20 NV xét tuyển. Tuy nhiên, những thí sinh này đều băn khoăn khi đăng ký nhiều NV thì sắp xếp thứ tự thế nào là khôn ngoan nhất?

PGS.TS Trần Anh Tuấn “bật mí”: “Kinh nghiệm cho thấy khi đăng ký nhiều NV, thí sinh nên chia thành ba nhóm: nhóm 1 là những NV yêu thích nhất và có mức điểm chuẩn dự kiến có thể cao hơn năng lực của thí sinh, nhóm 2 là những NV có mức điểm chuẩn dự kiến ngang bằng với năng lực và nhóm 3 là những NV có mức điểm chuẩn thường thấp hơn so với năng lực thí sinh. Với cách đăng ký như thế này, khả năng trúng tuyển vào các ngành, trường 
mà em đã đăng ký sẽ cao hơn”.

“Ngoài ra, sau khi có điểm thi THPT quốc gia, căn cứ vào điểm thi của mình, em có thể thay đổi thứ tự NV đã đăng ký hoặc bổ sung NV mới” – ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, với thí sinh có ý định đăng ký đến 20 NV, ông Tuấn khuyến cáo thí sinh cần thảo luận kỹ với gia đình để đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh lãng phí. Theo quy định, lệ phí xét tuyển năm nay là 30.000 đồng/NV.

Một số thí sinh vẫn cho rằng lứa học sinh lớp 12 năm nay thiệt thòi hơn so với các năm trước vì “bộ cho chúng em chọn không giới hạn NV nhưng lại ép thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 NV”.

PGS.TS Trần Anh Tuấn giải thích để tránh hiện tượng một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều NV làm mất cơ hội học tập của thí sinh khác, quy chế tuyển sinh năm 2017 quy định thí sinh đã trúng tuyển ở NV có thứ tự ưu tiên cao hơn thì không tiếp tục 
xét NV thấp hơn.

Đại trà 
hay chất lượng cao?

Trong cùng một trường, nhưng hiện nay rất nhiều trường có các hệ đào tạo đại trà và chất lượng cao. Điều này khiến các bạn thí sinh băn khoăn về sự khác biệt của chương trình đào tạo cũng như cơ hội nghề nghiệp khi ra trường. Hơn nữa, điều này cũng tạo ra tâm lý phân biệt giữa sinh viên trong cùng một ngành học.

TS Phạm Mạnh Hà cho biết để tiếp cận dần với các chương trình đào tạo tiên tiến đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường ĐH mở thêm các chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao.

Những ngành đào tạo tiên tiến ngoài các ưu đãi về cơ sở vật chất, tư liệu, đội ngũ giảng viên có uy tín, sinh viên phải luôn duy trì năng lực học tập của mình trước một khối lượng bài tập, nhiệm vụ học tập lớn. Chính sức ép và điều kiện học tập tốt hơn nên đa số sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội trong lựa chọn việc làm với mức thu nhập cao.

Nói về sự khác biệt giữa chương trình chất lượng cao và đại trà, TS Phan Ngọc Minh (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho hay với các lớp chất lượng cao thì sĩ số giới hạn cho mỗi lớp là 40 sinh viên, phòng học máy lạnh, đào tạo tiếng Anh tăng cường, kỹ năng mềm, kiến tập theo từng môn học, đội ngũ giảng viên được tuyển chọn và phương pháp giảng dạy theo 
hướng tương tác.

Tương tự, TS Tăng Hữu Tân – trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho rằng chương trình chất lượng cao được tập trung nhiều vào các học phần như khối lượng kiến thức được đào tạo bằng tiếng Anh, nhóm các môn học kỹ năng, hoạt động ngoại khóa và thực tập thực tế tại doanh nghiệp, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và kỹ năng thực hành tin học theo chuẩn quốc tế…

PGS.TS Nguyễn Minh Hà – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM – nói thêm chương trình chất lượng cao của nhà trường có giảng bằng tiếng Anh cho các môn chuyên ngành, trung bình là 50% các môn chuyên ngành.

Bên cạnh đó, chương trình này có thiết kế học tiếng Anh cho 12 cấp bậc, tương đương 700 tiết tiếng Anh. Do đó, khả năng tiếng Anh của sinh viên trong chương trình là tương đối khá và cơ hội việc làm 
của các em rất cao.

* Em hỏi muốn đậu vào trường mình yêu thích thì mình nên đăng ký NV1 có phải không? Em rất muốn học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), em đã đăng ký NV1, nhưng nếu các bạn khác rớt y dược và chuyển qua ngành công nghệ sinh học, điểm em thấp hơn có bị đẩy ra dù là NV1 không?

TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Tất nhiên muốn “đậu” vào ngành, trường mình yêu thích thì nên (phải) đặt ngành, trường đó là NV1. Tuy nhiên việc có trúng tuyển hay không lại phụ thuộc vào điểm của tổ hợp môn thi mà em dùng để đăng ký xét tuyển.

Các trường ĐH sẽ xét tuyển từ ngày 28 đến 30-7 và trong thời gian này, tất cả các NV của mỗi thí sinh cũng như của tất cả thí sinh sẽ được xét tuyển cùng một lúc và bình đẳng với nhau các NV mà thí sinh đã đăng ký.

Do vậy, nếu em đăng ký xét tuyển NV1 vào ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, em sẽ bị ảnh hưởng nếu các thí sinh có điểm thi cao hơn em dù đăng ký vào ngành này ở các NV2, 3… nhưng chưa trúng tuyển ở các NV trước đó của họ.

TTO