Số liệu thống kê của Bộ GD- ĐT cho thấy mặc dù hai ngày đầu tiên đăng ký dự thi trùng vào thứ bẩy và chủ nhật nhưng tính đến 16h ngày 2-4, các đơn vị đăng ký dự thi trên cả nước đã nhập lên hệ thống chung dữ liệu hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển của 7.900 thí sinh.
Quy chế tuyển sinh năm nay đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, hướng cho thí sinh chọn được ngành/trường mà mình yêu thích để học tập có kết quả tốt.
Nguyên tắc là đối với các ngành/trường thì việc xét tuyển được thực hiện bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng. Còn đối với thí sinh thì ưu tiên trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Ví dụ thí sinh A đăng ký NV5 có kết quả thi 20 điểm, thí sinh B đăng ký NV1 có kết quả 18 điểm vào ngành X. Nếu điểm chuẩn vào ngành X là 19 điểm thì thí sinh A trúng tuyển (dù đã đăng ký NV5) còn thí sinh B trượt (dù đã đăng ký NV1).
Nếu thí sinh A ngoài trúng tuyển NV5 vào ngành X còn trúng tuyển các NV3, NV6 vào các ngành/trường khác thì thí sinh này chỉ được gọi trúng tuyển duy nhất vào NV3 (nguyện vọng cao nhất trong 3 NV đã trúng tuyển).
Vì thế nếu thí sinh đã suy nghĩ chín chắn để chọn ngành/trường khi làm thủ tục dự thi thì hầu như không cần thiết phải điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Việc điều chỉnh nguyện vọng chỉ xảy ra trong một số trường hợp cá biệt ví dụ thí sinh có kết quả thi cao hơn nhiều so với kết quả dự kiến hoặc sau khi thi thí sinh lại thấy phù hợp với các ngành khác so với đăng ký ban đầu…
Tuổi trẻ