Giáo dục đại học Việt Nam thứ hạng thấp, sinh viên thiếu kỹ năng

0
1332

Giáo dục đại học Việt Nam chưa lọt top 50 thế giới. Kết quả xếp hạng các trường đại học còn thấp.

Theo tiếp cận xếp hạng hệ thống (bảng xếp hạng U21 của hiệp hội các trường đại học Universitas 21 và QS), giáo dục đại học Việt Nam chưa lọt top 50 thế giới. Chúng ta vẫn chưa có trường đại học thuộc top 500.

Trong khu vực châu Á, Việt Nam có 5 cái tên: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của hai đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đã lọt vào top 1000, có thể đánh giá hệ thống đại học của ta thuộc vào nhóm 80/196 của thế giới. Đó là nhận định của GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo Giáo dục 2018 “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ít trường đại học tốt và có sự khác biệt lớn giữa các trường

GS.TS Nguyễn Hữu Đức so sánh Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường top 400 châu Á, kết quả mới chỉ nhích qua mức trung bình một ít (khoảng 5%). Mặc dù có kết quả khiêm tốn như vậy, so với các trường top đầu trong cả nước, các chỉ số của Đại học Quốc gia Hà Nội vượt mức trung bình rất xa (trên 65%).

Như vậy, nước ta không chỉ có ít các trường đại học nghiên cứu tốt và mức độ nghiên cứu giữa các trường có sự khác biệt rất lớn. Kết quả xếp hạng các trường đại học còn thấp.

Qua phân tích đối sánh kết quả xếp hạng cho thấy, chất lượng các công trình công bố (đánh giá qua số lượng trích dẫn) của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM về cơ bản so sánh được với các trường top đầu của quốc gia trong khu vực nhưng năng suất nghiên cứu của các trường đại học top đầu Việt Nam vẫn thấp hơn so với các trường đại học top đầu trong khu vực ASEAN.

Báo cáo nhận diện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc phân tích kết quả xếp hạng U21 và xếp hạng QS, chỉ ra các điểm yếu về cơ chế vận hành và bẫy mức độ nghiên cứu và quốc tế hóa của các trường đại học nước ta.

Trên cơ sở đó đã chỉ ra được rằng, trong bối cảnh thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, đồng thời với việc nâng năng lực tài chính và năng lực tự chủ, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần quan tâm đến năng lực chuyển đổi, năng lực đào tạo định hướng khởi nghiệp, năng lực nghiên cứu hàn lâm định hướng đổi mới sáng tạo, năng lực số hoá và đặc biệt là năng lực phục vụ cộng đồng.Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban nghiên cứu sản xuất Tập đoàn Viettel đại diện khối doanh nghiệp nhấn mạnh thực trạng, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc. Hiện tại, các doanh nghiệp và nhà trường cũng đã bắt tay nhau hợp tác. Tuy nhiên, đặc thù của doanh nghiệp là mong muốn có sản phẩm nhanh nhưng việc nghiên cứu để đưa ra sản phẩm thành công trong nhà trường mất nhiều thời gian.

Doanh nghiệp và trường đại học cần hợp tác chặt chẽ hơn

Doanh nghiệp và các trường đại học đều đang đối mặt với thách thức cạnh tranh toàn cầu. Hai bên cần gần nhau hơn, thấu hiểu hơn để hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học và nguồn lực chất lượng cao cho đất nước.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, để đại học không chỉ là cấp phổ thông kéo dài, trường đại học và doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh mô hình đào tạo ứng dụng thực hành. Chẳng hạn 5 tiết thì 3 tiết dạy kiến thức, 2 tiết mời chuyên gia từ các tập đoàn doanh nghiệp để sinh viên hình dung rõ nhất về thực tế nghề nghiệp cũng như các kỹ năng cần trau dồi, đồng thời hợp tác nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Đánh giá về chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam, ông Dilip Parajuli, Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét theo thống kê, Việt Nam là quốc gia xếp hạng thứ 84/137 về chất lượng giáo dục đại học và chỉ có 2 trường đại học lot top 1.000 trường của thế giới (ĐH quốc gia Hà Nội; ĐH quốc gia TP.HCM) và 5 trường lot top 400 của Châu Á. Như vậy là thấp, thấp so với chính khu vực chứ chưa nói đến so sánh cạnh tranh trên toàn thế giới.

Theo ông Dilip Parajuli, các trường sẽ chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước chính sinh viên của mình cho nên các trường đừng rụt rè, hãy mạnh dạn xin tự chủ để nâng cao chất lượng.Xu hướng toàn cầu trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh, số lượng du học sinh tăng cao; các trường mở phân hiệu tại các quốc gia mới nổi về kinh tế; đồng thời tăng số lượng giảng viên quốc tế và hợp tác nghiên cứu và xếp hạng trường đại học quốc tế là những nhu cầu không thể không làm để giải bài toán hội nhập. Tuy nhiên, cho đến nay cả 4 khía cạnh này, tỉ lệ của Việt Nam đều vẫn rất thấp, mới chỉ đang ở mức độ tiệm cận. Dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn cần phải tham gia vào các bảng đánh giá trên thế giới để khẳng định việc hội nhập của mình.

Theo Zing