-Chiều 26/7, các thành viên của Hội đồng quốc gia về nguồn nhân lực và UB Đổi mới giáo dục quốc gia của Chính phủ đã cùng thảo luận về vấn đề bức thiết: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.
Mỗi đại biểu tiếp cận từ những góc nhìn riêng, nhưng đều cảnh báo hiện tượng giáo dục đang “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người” sẽ gây ra nhiều lệch lạc và tác hại cho chất lượng nguồn nhân lực tương lai.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: “Cần trở về với chữ Thiện”
Ở cấp tiểu học, trẻ chỉ cần đọc thông viết thạo và nắm được những điều cơ bản. Điều quan trọng nhất lúc này là rèn cho trẻ cái đức. Nhưng khi bắt tay vào làm, chúng ta vô tình “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ, làm cho đứa trẻ già đi trước tuổi, đối xử với chúng như người lớn.
Theo tôi, muốn rèn Đức cứ chọn 3 thứ mà làm. Đầu tiên là dạy cái Thiện, thứ hai là không được Tham, thứ ba là phải có Trách nhiệm. Đừng tham nhồi nhét bằng lý thuyết sẽ không ăn thua gì. Nếu không giải quyết được 3 vấn đề trên, sẽ chẳng thể cho ra kết quả tốt
PGS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội): “Giáo dục không chỉ diễn ra trong nhà trường”
Vai trò của giáo dục ngoài nhà trường cũng không kém gì trong nhà trường. Ở nước ngoài phân định rất rất rõ gia đình làm gì, trẻ em làm gì và nhà trường sẽ làm gì. Ngay cả những luật khác như luật báo chí, luật điện ảnh, luật bảo vệ trẻ em cũng phải có những điều chỉnh và hướng dẫn. Tôi nhận thấy luật điện ảnh các nước cũng góp phần làm công tác giáo dục rất rõ.
Vai trò của gia đình phải rõ hơn và trách nhiệm phải gắn chặt hơn.
Về phương thức truyền tải, Giáo dục công dân nên được coi là một hoạt động giáo dục thì sẽ rộng hơn việc coi nó là một môn học (môn học sẽ gắn với điểm). Một hoạt động giáo dục sẽ hướng đến những phẩm chất sẽ có hiệu quả hơn.
Chúng ta phải có những bài giảng luân lý. Có thể học cách các bên tôn giáo đưa các bài giảng giáo lý tại sao lại thấm nhuần đến thế.
Về phương pháp đánh giá, đạo đức phải đánh giá đa chiều. Đánh giá phải thiên về khuyến khích nhiều hơn trừng phạt. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, mỗi khi học sinh làm điều gì tốt sẽ được tích lũy điểm. Sau này khi lên bậc cao hơn, điểm tích lũy đó có thể chuyển đổi thành điểm một số môn học tương ứng.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Phong trào Hướng đạo sinh có nhiều giá trị”
Điều quan trọng đầu tiên với bọn trẻ phải là tính trung thực. Trung thực là trẻ thích cái gì thì nói cái đó, không che đậy gì cả, kể cả là sự vụng về.
Cuộc sống có thể rất đa dạng phong phú, nhưng ta hãy cố gắng đi vào cái cơ bản nhất. Hiện nay, điều ghê gớm nhất đang tác động vào xã hội chính là sự giả dối. Chỉ có cái thiện mới là gốc để triệt tiêu điều đó.
Chữ “thiện” là gốc phát triển của con người. Chúng ta có nhiều khẩu hiệu, mục tiêu nhưng xin trở về nguyên gốc của chữ “thiện”. Chữ “thiện” có thể phát triển ra rất nhiều, từ thiện nguyện, thiện tâm đến thiện chí. Xin hãy trở về những điều cơ bản nhất. Nhìn về lịch sử, chúng ta có thể tham khảo phong trào “hướng đạo sinh” do cụ Hoàng Đạo Thuý khởi xướng.
PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội : Giáo dục ý thức chấp pháp
Cổ nhân đúc kết, luật pháp là chỗ dựa của nhân tâm. Luật pháp không nghiêm thì nhân tâm băng hoại. Pháp phải là sự sống, nền tảng, chỗ dựa. Nếu như không có chỗ dựa ấy thì cái thiện không có chỗ bấu víu.
Xem sách giáo khoa dạy Đạo đức của các nước Đông Á, phạm trù đầu tiên bao giờ cũng là chấp pháp.
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư TƯ Đoàn: “Cần thời lượng thích đáng cho hoạt động ngoại khoá”
Để giáo dục đạo đức lối sống cần phải có khung thời gian nhất định. Tuy nhiên, với lịch học như hiện nay, thời gian để học sinh thực hiện các hoạt động ngoại khoá cực kỳ hạn chế. Thậm chí nhiều nơi còn có tình trạng mỗi tuần chỉ có 1 tiết giáo dục ngoại khoá; tuy nhiên trường lại không sử dụng tiết học ấy cho hoạt động ngoại khóa mà chuyển sang dùng vào chính khoá.
GS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục: “Chú trọng khoa học về giáo dục”
Đạo đức và thái độ là nền tảng quan trọng, thậm chí bây giờ nó còn đóng vai trò “là mẹ thành công”. Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài tuyển dụng không còn chỉ dựa vào năng lực nữa, mà còn thử thách ứng viên về thái độ cũng như ý thức với nghề nghiệp.
Chúng ta nói rất nhiều về việc “mải dạy chữ chưa quan tâm dạy người”. Thực ra không phải chúng ta chưa chú trọng việc “dạy người”. Nhưng làm cái gì cũng phải có nghề. Chúng ta có nghệ thuật áp đặt rất tốt nhưng khoa học dạy người lại… rất thiếu. Tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa khoa học giáo dục đặc biệt là giáo dục đạo đức lối sống.
Hiện chúng ta chỉ giáo dục bằng kinh nghiệm: ông bà dạy cháu, mẹ dạy con. Ngành giáo dục cần phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ cho thầy cô sư phạm.
Ông Trần Đức Cảnh, Cố vấn Hội đồng tuyển sinh đại học Havard: “Phải chú trọng thể dục thể thao”
Cần phát triển phẩm chất của học sinh thông qua các hoạt động thể dục thể thao. So với các nước phát triển trên thế giới, hoạt động thể dục thể thao ở nước ta còn ở mức… quá yếu. Trong khi, thể thao không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn tạo ra sự linh hoạt cho học sinh. Điều này còn góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện cho trẻ hiểu về tinh thần đồng đội và tạo ra suy nghĩ lành mạnh, tích cực về vấn đề sức khỏe, tính làm việc tập thể, tính cộng đồng, trách nhiệm,…
TS Lê Đông Phương – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:
Giới trẻ hiện nay nhiễm những hệ giá trị bên ngoài Việt Nam quá sớm, trong khi ta chưa có biện pháp để ngăn cản hệ giá trị ngoại lai. Ví như sách ngôn tình, kiếm hiệp hiện nay chiếm đến một nửa số sách bán trên thị trường, trong khi sách giáo dục lối sống lành mạnh lại ít. Trên các trang mạng xã hội đầy rẫy những thông tin khích lệ sự hưởng thụ vật chất, xa hoa, những hành vi lệch chuẩn nhưng không được ngăn chặn.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội): “Giáo dục đạo đức lối sống…ưu tiên xếp sau thi cử”
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa gắn và tương đồng với việc thi cử hiện nay. Vì thế, các nhà trường rất quan tâm cũng khó triển khai, khó lan tỏa tới học sinh, giáo viên và cha mẹ vì ít tính thực dụng.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng thiếu định hướng, thiếu động lực khi không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, nhỡ sai thì làm sao, có được bảo vệ không? Cho nên, cách an toàn nhất là cầm chừng hoặc không làm cho yên tâm. Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Trang bị cho học sinh kỹ năng và “bộ lọc” để “sàng” thông tin
Con cháu chúng ta đang sống trong một không gian mạng rất mạnh. Không gian ấy có rất nhiều “rác” mà dù có “quét” cũng không thể hết “rác”.
Do vậy, học sinh cần phải được trang bị kỹ năng và có “bộ lọc” để sàng lọc thông tin. Dạy đạo đức cũng là dạy những kỹ năng cơ bản để sống trong cuộc sống thực và không gian mạng. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cũng nên xem thời đại có sự thay đổi như thế nào để thay đổi theo. Tất nhiên, mục tiêu giáo dục và chuẩn mực vẫn không thay đổi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Vẫn còn hiện tượng khoán trắng cho nhà trường”
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế; mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ.
Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường.
Ngành sẽ bám sát tinh thần “5 điều Bác Hồ dạy” được thể hiện cụ thể trong 5 phẩm chất cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải làm cho trường ra trường, thầy ra thầy”
Kể từ khi có Nghị quyết 29, chúng ta đã làm và có chuyển biến nhưng đến tới nay, những nhận định tại nghị quyết này vẫn còn nguyên giá trị. Biểu hiện suy thoái vẫn có nguy cơ gia tăng. Chúng ta đã có rất nhiều phong trào, khẩu hiệu liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng soi vào thực tế thì thấy vẫn làm chưa tốt.
Ví dụ như, có khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” mà để học sinh đội nắng chờ khai giảng; hát quốc ca nhưng lại bật nhạc có sẵn.
Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.