Giáo dục với những điều chỉnh linh hoạt trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

0
1122

Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã có những động thái và điều chỉnh kịp thời nhằm ổn định tâm lý người dạy và người học trong khó khăn chung.

Học sinh học online khi trường học phải đóng cửa do Covid-19. (Ảnh minh hoạ)Học sinh học online khi trường học phải đóng cửa do Covid-19. (Ảnh minh hoạ)

Bộ GD&ĐT hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT chia sẻ với những khó khăn của các cơ sở giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên trong giai đoạn hiện nay, nhất là các cơ sở giáo dục tư thục và đội ngũ giáo viên đang công tác ở khu vực này.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục thống nhất chỉ đạo của Chính phủ và phương châm chung của ngành là sức khỏe, tính mạng của học sinh, giáo viên là trên hết, vì vậy toàn ngành sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn để cùng cả nước chiến thắng đại dịch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, ngày 18/3/2020, Bộ đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân.

Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có những chỉ đạo về các gói hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Giáo dục cũng sẽ được xem xét, tính toán trong các gói hỗ trợ này.

“Khó khăn là tình hình chung của cả nước và mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải chiến thắng dịch bệnh, vì vậy, tôi mong rằng, các cơ sở giáo dục bình tĩnh trước khó khăn, chủ động có những giải pháp nhằm hỗ trợ, động viên đội ngũ giáo viên, chung tay đoàn kết, phát huy nội lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bộ GD&ĐT với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong ngành Giáo dục để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành và đề xuất những giải pháp căn cơ trong phạm vi có thể để khắc phục.”
(Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng)

Lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020 được điều chỉnh lùi do ảnh hưởng Covid-19.

Điều chỉnh lịch xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2020

Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa đưa ra thông báo điều chỉnh lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) năm 2020.

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định điều chỉnh lịch xét như sau:

Ngày 30/6/2020 là hạn cuối cùng ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020 tại cơ sở giáo dục đại học không thành lập Hội đồng GS cơ sở cần nộp hồ sơ và đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS,PGS tại cơ sở khác có ngành ứng viên đăng ký và ứng viên gửi bản đăng ký xét tiểu chuẩn chức danh lên trang Thông tin điện tử của Hội đồng GSNN.

Từ ngày 5/7 – 5/8, các Hội đồng GS cơ sở xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020.

Ngày 20/8, hạn cuối cùng các Hội đồng GS cơ sở nộp cho Văn phòng HDDGSNN báo cáo kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020 theo quy định.

Ngày 7/9, hạn cuối cùng Văn phòng Hội đồng GSNN bàn giao hồ sơ cho Hội đồng ngành, liên ngành.

Từ 15/9 – 30/9, Các Hội đồng GS ngành, liên ngành xét công nhận chức danh GS,PGS 2020.

Ngày 20/10 – 25/10, Hội đồng GSNN họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: INT)

Kỳ thi THPT quốc gia không ảnh hưởng nếu HS đi học trở lại trước 15/6 

Phát biểu tại cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, học sinh có thể trở lại trường vào tháng 6. Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu dịch được kiểm soát, học sinh toàn quốc có thể đi học chậm nhất vào ngày 15/6 và đến 15/7 kết thúc năm học.

Trong 4 tuần (từ 15/6 đến 15/7), học sinh sẽ được thầy cô giáo ôn tập lại sau thời gian học trực tuyến tại nhà; kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm.

“Như vậy, học sinh vẫn hoàn thành chương trình năm học 2019-2020. Học sinh lớp 12 sẽ có ba tuần để ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia, diễn ra vào ngày 8-11/8”, ông Độ phân tích và nhấn mạnh học sinh vẫn có thể thi THPT quốc gia.

Nếu sau ngày 15/6, học sinh chưa thể đến trường thì Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Quốc hội về phương án thi THPT quốc gia. Luật Giáo dục quy định, học sinh lớp 12 phải thi THPT quốc gia để được xét công nhận tốt nghiệp. Bộ cũng sẽ báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án thi THPT quốc gia để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

“Học sinh nghỉ học ở trưởng nhưng chương trình vẫn được thực hiện. Các thầy cô đang giảng dạy và học sinh đang học trực tuyến. Học sinh yên tâm là quyền lợi sẽ được đảm bảo, theo hướng là giảm khối lượng chương trình nhiều nhất có thể, để giúp các em có cùng mặt bằng kiến thức, nếu có sự khác biệt cũng không lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Sau khi khai giảng năm học mới, học sinh sẽ có 1-2 tuần để học lại kiến thức còn thiếu của năm học 2019-2020.

Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ GD&ĐT phải cắt giảm chương trình học. Ngày 3/4/2020, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2020 theo chương trình tinh giản.

Theo Báo Giáo dục và đào tạo