Học sinh chạy đua vào ngành ‘việc nhẹ, lương cao’

0
2225

“Việc nhẹ, lương cao” vẫn là ưu điểm của những ngành học thu hút đông thí sinh đăng ký nguyện vọng nhất năm 2019.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, năm 2019, cả nước có 653.278 thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ theo điểm thi THPT quốc gia với tổng số 2.575.305 nguyện vọng (NV). Trong đó, bình quân mỗi TS đăng ký khoảng bốn NV, đơn cử có một TS ở Hà Nội chọn tới 50 NV. Và cũng không ít TS đăng ký từ 10 đến 20 NV để mong có cơ hội trúng tuyển vào ĐH.

Công nghệ thông tin “lên ngôi”

Tại TP.HCM, một trong những trường có số NV đăng ký nhiều nhất là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khi có đến 57.158 NV. Trong đó những ngành có số đăng ký nhiều là công nghệ kỹ thuật ô tô (hệ đại trà), công nghệ thông tin (hệ đại trà), công nghệ kỹ thuật ô tô (hệ chất lượng cao tiếng Việt), công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, logistics…

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết những ngành TS đăng ký nhiều đều là những ngành “chủ chốt” của trường lâu nay cũng như “hot” ngoài xã hội, tức sẽ có tỉ lệ việc làm và thu nhập cao. Ngược lại, các ngành mới mở các em đăng ký rất ít dù tầm quan trọng và nhu cầu việc làm rất lớn trên thị trường lao động. Thậm chí số lượng đăng ký thấp hơn so với chỉ tiêu như ngành công nghệ vật liệu dệt may, kỹ thuật nữ công, kỹ nghệ gỗ, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu…

Tương tự, tổng số đăng ký NV vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay cũng có 20.232 NV).

ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông trường này, cho hay nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin vẫn thu hút TS nhất khi có số NV hơn 5.800. Các ngành khác cũng tăng như khoa học máy tính (chương trình tiên tiến), công nghệ thông tin (chất lượng cao), công nghệ sinh học, kỹ thuật điện tử-viễn thông,…

Tuy nhiên, các ngành về sinh học, vật lý học, khoa học vật liệu, toán học, hải dương học, địa chất học… thì NV 1 rất ít, chỉ tập trung ở NV 2 và 3 so với chỉ tiêu từng ngành.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng có tới hơn 45.000 NV đăng ký bằng kết quả thi THPT quốc gia năm nay. Trong đó, những ngành thời thượng, nghe tên có xu hướng “việc nhẹ, lương cao” vẫn được TS ưu ái nhiều như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, du lịch, nhà hàng, ngôn ngữ Anh… Một số ngành nghe tên lạ như logistic, truyền thông đa phương tiện cũng tăng đột biến.

( Giám thi coi thi THPT Quốc Gia năm 2018 )

Sư phạm thấp thỏm lo dù chỉ tiêu tăng

Một tín hiệu vui với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khi năm nay có đến 32.500 NV đăng ký vào trường, tăng so với năm trước và cũng thuộc tốp các trường ĐH có số NV lớn. Đáng nói là ngành giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và ngôn ngữ Anh lại là ba ngành trong nhóm ngành đào tạo giáo viên có số NV đăng ký cao nhất.

Theo ông Đinh Văn Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường, điều này cho thấy năm nay phụ huynh học sinh có tìm hiểu và quan tâm đến ngành nghề và tính chất thừa thiếu lao động của xã hội. Bởi hai ngành có NV đăng ký nhiều nhất là hai ngành học đang thiếu giáo viên nhất hiện nay.

Tuy nhiên, xét về bình diện chung của nhóm ngành sư phạm cả nước thì vẫn chưa thực sự khởi sắc. Bởi như bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết số TS dự thi THPT quốc gia năm nay giảm gần 40.000 so với năm 2018 nhưng chỉ tiêu vào ngành sư phạm lại tăng hơn 30%, tức 46.285.

Theo bà Phụng, số tăng này do dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương trong những năm tới rất cao nên các trường đào tạo cũng có điều chỉnh tăng nhưng số này cũng chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu.

Thế nhưng tổng số NV đăng ký vào sư phạm lại giảm đến 10.000, thậm chí NV 1 vào sư phạm lại giảm hơn 6.700.

Điều này khiến không ít người lo ngại chất lượng tuyển sinh của các trường sư phạm, đồng thời việc thiếu giáo viên trong những năm tới sẽ khó có thể giải quyết được.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết trường có hơn 600 học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ nhưng số em chọn sư phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Thực ra học sinh vẫn “thực dụng” khi dồn vào ngành “hot” và chỉ dành những “tia hy vọng” cuối cùng mới vào sư phạm. Điều này rất dễ hiểu và đòi hỏi chính ngành sư phạm phải được thay đổi mới có thể hút người học”.