Học sinh nghỉ ngày thứ Bảy: Khó khả thi

0
4805

Học sinh (HS) được nghỉ ngày thứ Bảy là đề xuất hay, phù hợp với xu hướng quốc tế. Nhưng trong điều kiện những TP lớn đang thiếu trường lớp hiện nay thì rất khó thực hiện.

Nghỉ thứ Bảy, nhà trường sẽ dạy tốt hơn
Hiện nay, thời gian học tập của HS phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm, số tiết/tuần. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, nhà trường sắp xếp các ngày học trong tuần đảm bảo tổng số tiết học theo quy định. Theo đó, chỉ HS tiểu học được nghỉ học ngày thứ Bảy, còn HS THCS và THPT vẫn đều đặn học 5 tiết ngày thứ Bảy. Bản thân việc học vào ngày thứ Bảy chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là phụ huynh và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động chung của gia đình. Thế nên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc không tổ chức dạy học vào ngày thứ Bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Học sinh THPT vẫn đi học đều đặn 5 tiết thứ 7
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như hiệu trưởng một số trường phổ thông cho rằng, đây là ý tưởng tốt. Bởi khi HS học ngày thứ Bảy, bố mẹ lại được nghỉ thì những hoạt động gia đình khó tổ chức với đầy đủ thành viên. Không chỉ vậy, được nghỉ thứ Bảy nhưng bố mẹ lại phải đưa đón con đi học nên thời gian nghỉ ngơi không trọn vẹn. Hiện nay, giáo viên được nghỉ ngày Chủ nhật và nhà trường bố trí thêm một ngày khác trong tuần cũng chẳng thể cùng gia đình tham gia các sinh hoạt chung. Vì thế, Hiệu trưởng trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Hoàng Văn Phú mong muốn: “Được nghỉ ngày thứ Bảy, HS sẽ học 2 buổi/ngày (mỗi ngày 7 tiết x 5 ngày = 35 tiết) là xu hướng tốt đang được thực hiện ở nhiều quốc gia. Nếu học 1 buổi/ngày, 6 buổi/tuần, các buổi còn lại HS thường đi học thêm. Hơn thế, khi học 2 buổi/ngày và 5 ngày/tuần, thời gian học buổi sáng 4 tiết không nhất thiết phải bắt đầu từ 7 giờ 15 phút mà có thể muộn hơn”.
Chỉ có thể khi có đủ phòng học
Nguyện vọng cho HS được nghỉ học ngày thứ Bảy là yêu cầu chính đáng. Bởi hiện nay, HS chỉ chú ý đến việc học mà không có thời gian chuyển đổi hoạt động về thể chất nghệ thuật và những yêu cầu riêng khác. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi nhiều nơi, nhất là những khu đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang quá tải về trường lớp, thậm chí không đủ phòng học, phải học 1 buổi/ngày, một số lớp học buổi sáng, một số học buổi chiều thì HS khó có thể nghỉ học thứ Bảy. “Những trường dạy học 2 buổi/ngày sẽ dễ dàng thực hiện nghỉ thứ Bảy, còn những nơi học 1 buổi/ngày thì chẳng có cách nào. Còn nếu muốn thực hiện được thì các chuyên gia phải làm lại chương trình giáo dục” – TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục, trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) khẳng định, nghỉ ngày thứ Bảy, nhà trường khó đảm bảo được chương trình khi dạy 1 buổi/ngày. Hiện nay, cấp 2 và 3 không được nghỉ ngày nào bởi chương trình lúc đầu là 33 tuần, sau tăng lên 35 tuần, giờ là 37 tuần/năm. Nếu thực hiện được nghỉ học thứ Bảy, chỉ còn cách giảm số tiết và thời lượng cho môn học. Thầy Phú cũng khẳng định, muốn HS được nghỉ học thứ Bảy thì phải học 2 buổi/ngày, tuần học 5 ngày và phải đảm bảo điều kiện số phòng học bằng số lớp học. Về ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới không gây quá tải cho HS sẽ thực hiện được việc nghỉ học ngày thứ Bảy, thầy Phú cho rằng, số tiết trong mỗi môn học giảm, nhưng số môn học lại tăng đồng nghĩa thời gian học không giảm. Do vậy, muốn sắp xếp cho HS nghỉ thứ Bảy phụ thuộc vào cơ sở vật chất và học 2 buổi/ngày.
Theo kinhtedothi