Hơn 15 năm tổ chức chưa năm nào không có nhầm đề thi

0
1377

Từ khi bắt đầu kỳ thi ‘ba chung’ (năm 2002) cho đến kỳ thi THPT quốc gia vừa để tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH (từ năm 2015) đến nay, có những bí mật xung quanh việc xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi không nhiều người biết đến.

Nhầm đề thi

Với những người điều hành, chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh, hơn 15 năm tổ chức chưa năm nào không có chuyện xảy ra. Có rất nhiều sự cố xảy ra từ lỗi của giám thị, hội đồng thi… gây rắc rối không nhỏ đến kỳ thi chung.

Mọi người chỉ biết có chuyện xảy ra và cách xử lý sau cùng nhưng ít ai biết đến những cuộc họp đầy căng thẳng tìm phương án giải quyết của Ban Chỉ đạo thi quốc gia.

Trước kỳ thi tuyển sinh năm 2008, năm đầu tiên các trường CĐ cũng tham gia thi chung đề “ba chung” với ĐH trong đợt thi thứ 3. Lúc này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long có chuyến kiểm tra tại Trung tâm in sao đề thi của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là trung tâm in sao đề cho hàng chục trường ĐH. Nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long dặn dò phải thật cẩn thận để không nhầm lẫn đề thi.

Hai đợt thi ĐH yên bình nhưng đến đợt thi CĐ, đề thi môn văn của 16 phòng thi tại Trường CĐ Trang trí mỹ thuật Đồng Nai bị nhầm với đề môn văn ở đợt thi ĐH trước đó vài ngày

Ông Đỗ Quốc Anh, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nhớ lại: “Tuy không chủ quan nhưng qua 2 đợt thi trước không có sự cố gì, những người phụ trách cuộc thi phía nam cứ nghĩ kỳ thi cũng sẽ trôi qua yên bình. Nào ngờ trong thời gian thi môn văn CĐ, Ban chỉ đạo thi nhận được thông tin này”.

Một cuộc trao đổi ngay lập tức diễn ra giữa thành viên Ban Chỉ đạo thi tại TP.HCM và Trưởng ban Chỉ đạo thi ở Bộ GD-ĐT để tìm phương án giải quyết. Các thành viên Ban Chỉ đạo thi tại TP.HCM ngay lập tức phải chạy xuống tận trường, xin ý kiến Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia, quyết định nhanh chóng sử dụng đề dự trữ cho các thí sinh này thi lại một buổi khác.

Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM (nơi in sao đề cho hội đồng thi ở Trường CĐ Trang trí mỹ thuật Đồng Nai) nhận được cuộc gọi từ Bộ GD-ĐT, đề nghị kiểm tra lại khâu in sao đề vì hình như đề có sai sót. Lúc này, Trung tâm in sao đề thi vẫn được cách ly hoàn toàn vì chưa hết thời gian tổ chức thi. Lập tức một cuộc họp được tổ chức để tìm ra nguyên nhân. Đó là do lỗi dồn túi nhầm đề thi. Nhân viên dồn túi xếp đề thi ĐH môn văn đã thi trước đó vào túi đề thi CĐ.

May mắn do môn văn thi trong ngày đầu tiên nên thí sinh (TS) được thi lại ngay trong ngày thi hôm sau. Nếu môn thi này rơi trúng vào ngày thi cuối, TS ra về hết, sự việc sẽ phức tạp hơn rất nhiều lần.

Thí sinh đòi thi lại

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, năm đầu tiên gộp chung 2 kỳ thi, phụ huynh và TS từng đòi Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cho thi lại.

Lý do là trong một phòng thi môn toán có 29 TS tại Đà Lạt, cả giám thị 1 và 2 thay vì ký vào ô “cán bộ coi thi” thì ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi”. Sau hơn một nửa thời gian làm bài, khi phát hiện lỗi này, giám thị không báo lại chủ tịch hội đồng thi mà tự ý phát lại giấy thi khác và yêu cầu TS chép lại phần đã làm. Điều này gây mất thời gian làm bài và ảnh hưởng đến kết quả thi. Sự việc buộc Ban Chỉ đạo thi phải đưa ra quyết định nhanh chóng sau những phản đối mạnh mẽ của phụ huynh, TS. Trưởng ban Chỉ đạo thi phải gọi điện cho Trường ĐH Đà Lạt, đề nghị tổ chức thi lại cho 29 TS, thông báo từng TS kèm theo việc gặp gỡ, động viên TS và gia đình.

Trước đó, vào năm 2011, sự cố tương tự cũng xảy ra tại một hội đồng thi của Học viện Hậu cần (Nha Trang). Giám thị tại một phòng thi có 24 TS cũng ký nhầm vào ô dành cho giám khảo chấm thi. Các giám thị này phát hiện ra lỗi nhưng cũng không báo cáo lên trên, tự ý bắt TS đổi giấy thi, chép lại bài thi cũ khi đã làm được 1/3 thời gian. Sự việc trở nên phức tạp khi phụ huynh có đơn khiếu nại gửi lên Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

Ông Đỗ Quốc Anh cho biết Ban Chỉ đạo thi đã phải họp bàn khá căng thẳng để tìm ra phương án xử lý cho trường hợp này. Cuối cùng, quyết định TS được chọn 2 cách. Một là giữ nguyên bài thi cũ đã chép lại thì kết quả môn thi sẽ được nhân hệ số 1,3 kết quả bài thi thực tế của TS (bù lại 1/3 thời gian TS bị mất đi trong phòng thi). Hoặc TS thi lại môn toán bằng đề thi dự bị sau khi kết thúc các môn của đợt thi theo lịch tuyển sinh. Kết quả là có 21 TS chấp nhận giữ nguyên bài thi, 3 TS thi lại bằng đề thi dự bị.

“Những sai sót do giám thị ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi hầu như năm nào cũng xảy ra. Xử lý tình huống này rất đơn giản, giám thị chỉ cần báo cáo trưởng điểm thi lập biên bản và cho TS tiếp tục làm bài bình thường. Tuy nhiên, do giám thị chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong xử lý, bắt TS làm lại bài trên tờ giấy thi khác nên gây hậu quả nghiêm trọng”, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ. Ông bị ám ảnh bởi điều này đến mức từ đó về sau cứ đến kỳ thi, ông phải đưa ra một chỉ đạo tưởng như rất bình thường: khi coi thi giám thị tuyệt đối không được “sáng tạo”, cứ theo quy chế mà làm!

Theo Thanhnien