“Cách đây 2 năm, tôi đi dự buổi họp phụ huynh tổng kết cuối năm học của con trai lớn. Thầy chủ nhiệm đã chiếu slide cho tất cả phụ huynh xem kết quả học tập và hạnh kiểm từng học sinh. Con tôi xếp hạng 48 – hạng cuối cùng trong lớp”.
Những năm gần đây, nhiều trường THCS, THPT một số tỉnh thành vẫn tổ chức xếp hạng học sinh ở lớp, gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh. Thế nhưng, khi có chủ trương không nên xếp hạng thì lại có đề nghị “tiếp tục vì xếp hạng cũng có cái hay”.
Vì sao như vậy?
Nỗi ám ảnh mang tên “xếp hạng”
“Cách đây hai năm, tôi đi dự buổi họp phụ huynh tổng kết cuối năm học của con trai lớn. Thầy chủ nhiệm đã chiếu slide cho tất cả phụ huynh xem kết quả học tập và hạnh kiểm của từng học sinh. Con tôi xếp hạng 48 – hạng cuối cùng trong lớp.
Thực sự lúc chiếu đến tên con, tôi chỉ muốn chui xuống đất khi thấy các phụ huynh khác quay qua nhìn mình với ánh mắt ái ngại và tội nghiệp” – anh Trần Hưng Lãm, phụ huynh học sinh ở quận 8 (TP.HCM), kể.
Trở về nhà, anh Lãm trút giận lên con và “Tôi đã đánh cháu một trận rất đau vì thấy nhục quá. Sau đó, tất cả các buổi họp phụ huynh vợ đều không cho tôi dự nữa” – anh Lãm trầm buồn.
Tương tự, T.N.H., cựu học sinh một trường THPT ở quận 3 (TP.HCM), cho biết điều làm H. sợ hãi nhất chính là việc cô chủ nhiệm sẽ công bố kết quả xếp hạng của tháng.
“Tên tôi cứ quanh quẩn trong số năm học sinh đứng ở cuối lớp, thực sự rất “quê” với các bạn, đến mức ám ảnh. Hồi đó tôi chỉ ước ao một điều: giá mà nhà trường bỏ quách cái vụ xếp hạng đó để tôi được đi học trong tâm trạng thoải mái và nhẹ nhàng” – H. tâm sự.
H. chia sẻ thêm: “Mẹ cứ chì chiết rằng tôi đi học mà không có sự cố gắng trong học tập. Thực sự không phải như thế, tôi có cố gắng, rất cố gắng nhưng không thể leo lên hạng giữa lớp hoặc đầu lớp vì lớp tôi có nhiều bạn rất giỏi.
Có tháng điểm trung bình của tôi có tăng lên nhưng vẫn không cải thiện vị trí. Sau nhiều lần như vậy, tôi đã đề nghị mẹ khi xem sổ liên lạc chỉ xem điểm và lời phê của giáo viên chứ đừng quan tâm con mình xếp hạng mấy”.
Trên thực tế, nỗi ám ảnh mang tên xếp hạng không chỉ tồn tại ở những phụ huynh, học sinh bị xếp hạng cuối lớp.
Chị N.T.H.N., phụ huynh ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), đúc kết: “Chỉ tại xếp hạng mà con tôi đi học không hạnh phúc”.
Chị N. nói chỉ mong con mình đi học vui vẻ, điều quan trọng là con sẽ có được kiến thức – kỹ năng gì khi đến trường.
Trái ngược với quan điểm ấy, con gái chị ganh đua với bạn từng 0,1 điểm dẫn đến ghét nhau, thường tìm cách nói xấu và hạ bệ nhau.
Cứ tháng nào có bạn vượt lên là con gái chị ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí học suốt đêm với quyết tâm “giành lại hạng nhất từ nhỏ Y.” – một bạn học cùng lớp.
Nếu công bố khéo léo sẽ tạo hiệu quả tích cực
Theo cô T.H. – giáo viên đã có gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm tại một trường ở TP.HCM, nhiều giáo viên biết việc xếp hạng học sinh là không đúng quy định của ngành nhưng vẫn làm với mục tiêu tạo phong trào thi đua của lớp, tạo động lực để học sinh cố gắng hơn trong học tập.
Trong quá trình thực hiện, mỗi giáo viên có một phương pháp khác nhau. Có người chọn cách công khai bảng xếp hạng học lực của học sinh trong buổi họp phụ huynh và những tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Có người thông báo riêng đến từng học sinh và phụ huynh thông qua sổ liên lạc.
Cô C.D.T., giáo viên dạy toán, cho rằng việc xếp hạng học sinh nếu thực hiện một cách khéo léo sẽ tạo được hiệu ứng tích cực trong quá trình học tập của học sinh.
Cô T. nói lúc đầu cô cũng công bố toàn bộ bảng xếp hạng cho cả lớp biết. Sau đó cô nhận ra công bố như thế rất dễ gây tổn thương cho những học sinh đứng chót bảng, tạo cho các em sự tự ti, buồn, nản khi đến trường.
“Thế là tôi thay đổi, các tiết sinh hoạt chủ nhiệm tôi chỉ công bố và khen thưởng những học sinh đứng đầu lớp để kích thích các học sinh khác nỗ lực học tập. Riêng những em đứng cuối lớp tôi sẽ gặp riêng, thông báo vị trí của em trong lớp và động viên phải cố gắng hơn” – cô T. chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường THCS khá nổi tiếng ở TP.HCM cho biết ở trường ông, ngoài những học sinh giỏi thật sự được khen thưởng dưới cờ, nhà trường còn yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phải khen cả những học sinh có sự tiến bộ với chính bản thân so với tháng trước, học kỳ trước.
“Có thế mới tạo được động lực cho học sinh học tập” – vị hiệu trưởng này kết luận.
Không có quy định nào về xếp hạng học sinh
Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT, khẳng định với Tuổi Trẻ như vậy khi câu chuyện xếp thứ hạng lại thu hút sự quan tâm, trong đó có những phản ứng trái chiều.
Tuy “không xếp thứ hạng” nhưng việc đánh giá, xếp loại học sinh bậc trung học cũng đang bộc lộ những bất cập, thiếu tính nhất quán, liên thông với bậc tiểu học đã có nhiều thay đổi và không tiệm cận được với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông sẽ thực hiện trong các năm tới khi đang chủ yếu dựa vào thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ban hành tám năm trước.
Bộ GD-ĐT đang đánh giá lại việc thực hiện thông tư 58 để xây dựng một quy định đánh giá học sinh trung học, theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong khi đó, ở bậc tiểu học việc đổi mới đánh giá học sinh đã được thay đổi và tiếp tục điều chỉnh qua quá trình thực hiện tại các thông tư 30, thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Cơ bản quan điểm đánh giá đối với lứa tuổi học sinh tiểu học như hiện nay được ủng hộ vì tính nhân văn và tính thực chất về chất lượng dạy học, giáo dục học sinh.
Tuy có những bất cập trong quy định đánh giá học sinh ở bậc trung học, theo đại diện các vụ giáo dục bậc học ở Bộ GD-ĐT, không có bất cứ quy định nào về xếp thứ hạng học sinh trong lớp ở tất cả các bậc học từ mầm non đến THPT.
Bộ GD-ĐT cũng có các hướng dẫn đối với giáo viên như không nêu tên, khiển trách, nhắc nhở học sinh yếu, kém trước lớp, không sử dụng những từ ngữ, thái độ phân biệt đối xử, so sánh giữa học sinh “chậm tiến” và học sinh khác gây tổn thương trẻ.
Việc dạy học theo hướng cá biệt hóa, tôn trọng cá tính, sở thích, giá trị riêng của học sinh đang được một số trường quan tâm trong các cuộc thảo luận chuyên môn và áp dụng vào việc đánh giá quá trình đối với học sinh.
Việc xếp hạng không phù hợp với quan điểm giáo dục hiện nay
Tôi cho rằng quyết định của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc không xếp hạng học sinh ở trường trung học là đúng đắn. Quan điểm giáo dục thời hiện tại là chỉ xét trên sự tiến bộ của chính bản thân học sinh chứ không so sánh với nhau.
Cái tiêu cực của việc xếp hạng chính là sự cạnh tranh, ganh đua giữa các học sinh trong lớp, tạo nên áp lực không đáng có đối với học trò.
Đó là chưa kể việc xếp hạng (một số trường đã làm) chủ yếu dựa trên điểm số học tập các môn học của học sinh trong khi quan điểm giáo dục hiện tại là đánh giá toàn diện học sinh, quan tâm đến nhiều kỹ năng, năng lực khác nhau.
Nếu có thực hiện việc xếp hạng cũng không nên quá chi li với hạng 1, 2, 3… mà nên xếp hạng học sinh theo nhóm để giáo viên có phương pháp giáo dục phù hợp như: nhóm học sinh có năng lực về toán, về nghệ thuật, về vận động… và chia sẻ trong nội bộ giáo viên để tìm cách giúp đỡ, chia sẻ với học trò.