Ít học sinh thành phố ‘đậu’ trường y vì điểm ưu tiên

0
2007

Trong phiên họp cuối cùng của hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược VN vào hôm qua (27.8), khi bàn về vấn đề tuyển sinh năm sau, nhiều thành viên tỏ ra e ngại trước thực tế năm nay quá ít thí sinh thành phố lớn trúng tuyển vào ngành y đa khoa.

Ưu tiên, khuyến khích đến hơn 5 điểm
Giáo sư (GS) Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết năm nay, sau khi gọi sinh viên nhập học thì lộ rõ bất cập liên quan tới điểm ưu tiên. “Trường tôi năm nay tuyển sinh 500 chỉ tiêu y đa khoa và hiện nay các em đã đến nhập học. Trong đó có 27 em diện tuyển thẳng, 21 em không được cộng điểm ưu tiên. Hơn 450 em còn lại đều thuộc diện được cộng điểm ưu tiên. Có em thậm chí được ưu tiên và khuyến khích tới hơn 5 điểm”, GS Hinh cho biết.
Theo GS Hinh, “chuyện lạ” là năm nay không có một học sinh nào lớp chuyên sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, trường chuyên nổi tiếng bậc nhất cả nước, đỗ y đa khoa. Điểm chuẩn của ngành này là 29,25 điểm và phải xét tiêu chí phụ, trong khi các học sinh Trường Amsterdam chỉ có thể “cạnh tranh” bằng điểm thi, vì không được cộng điểm ưu tiên.
PGS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng cho biết từ mấy năm nay, tỷ lệ thí sinh người thành phố đỗ vào trường dưới 10%. Có năm tới 92% thí sinh đỗ vào trường thuộc diện được cộng điểm.
GS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên), cho rằng cần tính đến hiệu quả của việc cộng điểm ưu tiên trong bối cảnh thực trạng thiếu bác sĩ trầm trọng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo hiện nay. “Điểm ưu tiên cho từng đối tượng, từng khu vực là bao nhiêu không quan trọng bằng việc khi được ưu tiên như vậy người học có quay trở về nơi mình ra đi để phục vụ hay không? Có em được ưu tiên 3,5 điểm, rồi có những em đi học theo diện cử tuyển, nhưng khi ra trường thì công tác tại thủ đô. Đó là việc không đúng. Cho ưu tiên thì phải có chính sách, có chế tài kèm theo”, GS Sơn nêu ý kiến.
Đào tạo bác sĩ 5 hay 6 năm ?
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, đã trình bày đề xuất của Cục về khung giáo dục quốc dân trong lĩnh vực y tế. Theo đó, thời gian đào tạo ĐH (cấp bằng cử nhân) của các ngành điều dưỡng, y học cổ truyền, kỹ thuật y học và các ngành cử nhân khác là 4 năm. Còn các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược là 5 năm, tối thiểu 150 tín chỉ, tương đương trình độ bậc 7 trong khung trình độ quốc gia. Tuy nhiên, để được hành nghề thì người tốt nghiệp ĐH ngành y dược phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp. Riêng các chức danh bác sĩ/dược sĩ đòi hỏi phải qua thời gian thực hành 3 năm. Theo giải thích của ông Lợi, sở dĩ có con số 5 năm là phải theo khung trình độ quốc gia (trong đó thời gian đào tạo ĐH là từ 3 – 5 năm).
Hầu hết các hiệu trưởng phát biểu trong hội nghị đều bày tỏ ý kiến phản đối khung thời gian này. GS Nguyễn Đức Hinh cho biết vấn đề khung đào tạo ngành y đã được nêu ra trong các hội nghị hội đồng các lần trước và đã đạt được sự thống nhất thời gian đào tạo bác sĩ phải tối thiểu 6 năm. “Hiện nay trên thế giới có 3 mô hình. Mô hình 4 + 4, điển hình là Mỹ. Mô hình 5 năm, điển hình là Anh và vài nước nữa. Còn lại mô hình 6 năm là mô hình phổ biến nhất”, GS Hinh cho biết.

Tuy nhiên, GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho rằng điểm ưu tiên không phải là một ân huệ, mà chỉ là một sự hỗ trợ để thí sinh thuận lợi trong tiếp cận giáo dục ĐH, nên đặt điều kiện thí sinh nào nhận điểm ưu tiên thì phải quay về làm việc nơi mình ra đi, là cách suy nghĩ chưa thấu đáo. Nhưng GS Quyết cũng cho rằng mức cộng tối đa 3,5 điểm như hiện nay là quá cao. “Nên cộng tối đa 2 điểm thôi. Không nên cộng quá nhiều, bởi tạo ra sự quá khác biệt, khi mà các trường chỉ cần nâng lên hạ xuống 0,25 điểm thôi là rất nhiều em trượt hoặc đỗ”, GS Quyết đề xuất.

Còn theo PGS Nguyễn Cảnh Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh, nếu thí sinh có nhiều ưu tiên thì phải chọn ưu tiên cao nhất, và rút ngắn khoảng cách điểm ưu tiên khu vực, chẳng hạn chỉ 0,3 điểm thay vì 0,5 điểm như hiện nay.
Trường y cần tự chủ trong tuyển sinh
GS Nguyễn Văn Sơn cho rằng cần phải có điểm sàn trong tuyển sinh ngành y dược, tránh tình trạng một số trường ngoài công lập có điểm chuẩn thấp như hiện nay. PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng đồng ý với đề xuất này. “Nhiều trường tư thì kể cả các ngành bác sĩ cũng lấy dưới 20 điểm. Đầu vô đã kém, đầu ra khó mà có chất lượng, đặc biệt các trường tư thường thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt khó khăn về cơ sở thực hành”, PGS Xuân nói.
Theo PGS Nguyễn Cảnh Phú, kỳ thi “hai trong một” có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế là chưa đánh giá đúng năng lực của người học. Cho nên ở các kỳ thi sau, Bộ GD-ĐT phải làm thế nào để đề thi phân hóa tốt hơn. GS Nguyễn Văn Sơn cũng đặt vấn đề các trường y dược nên suy nghĩ dần về tự chủ trong tuyển sinh, tách bạch kỳ thi THPT quốc gia (để các trường phổ thông xét tốt nghiệp THPT) với tuyển sinh, khi mà kết quả thi THPT quốc gia đáng tin đến mức độ nào thì cũng chưa ai trả lời được.
Tiến sĩ Vũ Văn Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, đề xuất sang năm lập nhóm tuyển sinh chung cho các trường nhóm ngành khoa học sức khỏe. Theo đề nghị của ông Thành, các trường y dược nên có chung phương thức tuyển sinh, vừa có thể dựa trên kết quả thi THPT quốc gia vừa dựa vào học bạ để xét tuyển. Việc xét tuyển trên cơ sở tổ hợp gốc khối B chiếm tỷ lệ không dưới 25%, ngoài ra các trường có thể xây dựng và đề xuất thêm các tổ hợp mới để tăng nguồn tuyển cho từng trường.
Khuyến khích thí sinh mạnh về khoa học xã hội vào ngành y
PGS Nguyễn Năng Trọng, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình, cho rằng để thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng như năm nay là Bộ GD-ĐT quá “chiều” thí sinh và dư luận xã hội, khiến cho việc định hướng nghề nghiệp ở phổ thông không còn ý nghĩa.
GS Trần Diệp Tuấn cũng cùng quan điểm này khi cho rằng cho thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi biết điểm là hay hơn.
“Khi có điểm các em mới đăng ký thì các em sẽ không suy nghĩ nhiều lắm về việc mình sẽ chọn ngành nào. Còn đăng ký trước khi biết điểm thì bắt buộc các em phải suy nghĩ kỹ hơn, theo đó giảm thiểu khả năng lựa chọn vì những yếu tố xã hội tác động”. GS Tuấn đề xuất thêm về lâu dài cần tính đến phương thức phỏng vấn trước khi quyết định thí sinh trúng tuyển, và khuyến khích thí sinh có thế mạnh về khoa học xã hội theo học y (giống nhiều nước khác) chứ không chỉ các em có thế mạnh về khoa học tự nhiên.
TNO