Ngày 29-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn kiểm tra của bộ đã dự khai mạc hội đồng chấm thi và kiểm tra khâu chuẩn bị chấm thi tại Thái Bình.
Trao đổi tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Hữu Độ chia sẻ “chưa có kỳ thi nào mà những từ như “trung thực, công bằng, nghiêm túc” được truyền thông nhắc đến nhiều như năm nay. Điều đó thể hiện mong mỏi chung của cả xã hội vào một kỳ thi nghiêm túc”.
“Năm 2018, gian lận xảy ra ở khâu chấm thi. Vì thế kỳ thi năm nay kết thúc với những nỗ lực của tất cả các địa phương, nhưng chỉ có thể yên tâm được khi khâu chấm thi được kiểm soát chặt chẽ” – ông Nguyễn Hữu Độ nói.
Mỗi giám khảo chấm khoảng 200 bài thi tự luận
Theo trưởng ban chấm thi tự luận ở Thái Bình, Sở GD-ĐT đã huy động 160 giáo viên chấm thi cho trên 18.000 bài thi ngữ văn. Như vậy, với quy trình chấm hai vòng độc lập, mỗi giáo viên sẽ phải chấm trên dưới 200 bài thi.
Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT gồm ông Nguyễn Hữu Độ, ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, ông Vũ Đình Chuẩn – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – đã trao đổi kỹ với các giám thị ở hội đồng chấm tự luận về quy trình chấm thi.
Ông Mai Văn Trinh đặc biệt lưu ý chung các hội đồng chấm thi tự luận việc thực hiện cách ly bộ phận làm phách, quy trình chấm 2 vòng độc lập, trong đó lưu ý từng quy định nhỏ trong nhiệm vụ của giám thị 1, giám thị 2, việc đối thoại, thống nhất kết quả chấm thi hai vòng, đối chiếu kết quả chấm và dữ liệu nhập lên hệ thống để tránh sai sót.
“Nhanh nhưng không vội”
Ông Nguyễn Hữu Độ đã nhắc nhở câu này đối với các giám khảo chấm thi. Theo tiến độ, Thái Bình đặt mục tiêu chấm xong bài thi trắc nghiệm vào ngày 5-7.
Theo bà Đào Thị Thu Giang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thái Bình, bộ phận chấm trắc nghiệm của Trường Ngoại thương có 23 người, bao gồm cán bộ trực tiếp quét dữ liệu, chấm thi, thanh tra, giám sát…
Sáng 29-6, hội đồng chấm thi tại Thái Bình mới nhận bàn giao máy móc thiết bị, các thùng bài thi. Ngày 30-6 bắt đầu chấm. Hội đồng chấm thi tự luận của Thái Bình được bố trí nghỉ trưa tại điểm chấm thi, làm việc liên tục cả ngày, bắt đầu từ chiều 29-6. Một số giám thị cho biết họ được triệu tập từ các trường ở xa đến. Thời tiết nóng bức, khối lượng chấm thi lớn nên sẽ khá mệt mỏi.
Cùng ngày 29-6, ở nhiều địa phương khác, hội đồng chấm thi cũng khởi động. Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa đều huy động từ gần 300 đến 550 giám khảo chấm thi môn ngữ văn.
Thông điệp “nhanh nhưng không vội” của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ với giám khảo ở Thái Bình nhưng cũng là với hội đồng chấm thi cả nước.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục có các đoàn kiểm tra lưu động đi nhiều địa phương khác để giám sát, chấn chỉnh kịp thời những việc chưa đúng quy chế.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết đáp án thi môn ngữ văn được công bố sáng 29-6 cũng để xã hội cùng kiểm soát. Bộ GD-ĐT sẽ công bố tiếp đáp án các bài thi khác trong thời gian tới.
Đáp án gợi nhiều hơn chốt
Nhận xét đáp án bài thi ngữ văn vừa công bố ngày 29-6, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cho biết: Trước hết phải khẳng định đáp án không sai sót. Nhưng đây là một đáp án mang tính gợi nhiều hơn chốt ý. Vì vậy những điều nêu trong đáp án chưa thể và không hướng đến thâu tóm hết các lớp lang và càng không bao trọn được các hướng nghĩ, những sáng tạo của thí sinh.
Vì thế điều quan trọng trong chấm thi môn ngữ văn là phải quán triệt tốt ở các hội đồng chấm thi. Vì nếu đâu đó giám khảo chấm máy móc kiểu đếm chữ, thấy có ý là cho điểm thì những bài viết có phát hiện mới mẻ, nằm ngoài đáp án có thể sẽ lại thấp điểm hơn bài chỉ cần trùng ý, trùng chữ với đáp án.
Trong khi trên thực tế, bài làm trùng ý, trùng chữ chưa chắc đã làm bài tốt. Những bài làm tốt không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu mà còn thể hiện năng lực phân tích từ ngữ, khai thác mạch ý sáng tạo.
Trong đáp án có một số “lưu ý” mà giám khảo cần ghi nhớ. Ví dụ lưu ý “Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách”. Với một đề thi có nhiều câu hỏi mở thì lưu ý này rất cần vận dụng để tránh thiệt thòi cho những thí sinh có bài viết độc đáo, sáng tạo.