Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT – cho biết chậm nhất ngày 10/7, các địa phương gửi kết quả thi THPT quốc gia về Bộ GD&ĐT.
Chia sẻ với báo chí khi thanh tra chấm thi đột xuất tại Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh thông tin các địa phương đặt chất lượng chấm thi trên hết, không vì sức ép về mặt thời gian mà làm ảnh hưởng đến điều này.
Đặc biệt, bài thi tự luận duy nhất là Ngữ văn cần được chấm chặt chẽ. Ông Trinh lưu ý điểm khác biệt năm nay là việc làm tròn điểm, cần chấm nghiêm túc và chính xác để các trường đại học dễ xét tuyển.
Với đề thi Ngữ văn, câu hỏi ‘mở’ đáp án phải ‘mở’. Về nguyên tắc, bài làm của thí sinh có thể khác hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ GD&ĐT. Phương án xử lý là câu trả lời có thể khác hướng dẫn chấm nhưng đưa ra được những ý cơ bản của yêu cầu.
‘Cách trả lời đó không đi ngược lại thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không đi ngược truyền thống dân tộc thì cán bộ chấm thi có quyền cho điểm các em’, ông Mai Văn Trinh nói.
Nếu sau này công bố kết quả thi, địa phương nào có những kết quả bất thường thì theo quy chế, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành chấm thẩm định, từ đó có căn cứ xử lý.
Các địa phương có số lượng bài nhiều hay ít, chậm nhất ngày 10/7 phải gửi kết quả chấm và tải lên hệ thống để Bộ GD&ĐT tiến hành chạy đối sánh dữ liệu. Các địa phương cần đảm đảm rằng dữ liệu ở trên hệ thống (cũng chính là dữ liệu sau này dùng để tuyển sinh đại học, cao đẳng) là tuyệt đối chính xác, không hề có bất kỳ sai lệch nào.
Với các địa phương đã tiến hành chấm thi xong nhưng với nhiều trường đại học, dữ liệu này còn được dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên phải bảo mật dữ liệu chung cho cả nước. Do đó, các địa phương đều phải hoàn thành đúng tiến độ, không được công bố trước ngày 11/7.
Hiện, một số địa phương có số thí sinh lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng cường cán bộ chấm thi. Các địa phương đỡ sức ép hơn như một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang tiến hành chấm đúng tiến độ.
Theo Tiin