Không “rải” quá nhiều nguyện vọng

0
3677

Dù năm nay Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH không giới hạn nguyện vọng nhưng nhiều học sinh cho biết sẽ chỉ cân nhắc chọn vài ngành nhất định.

Học sinh lớp 12 tại Vĩnh Long tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM mới tổ chức. Ảnh: M.Tâm

Theo đại diện các trường ĐH, đi cùng với việc Bộ GD-ĐT “mở cửa” xét tuyển ĐH, cần chú trọng đẩy mạnh khâu hướng nghiệp, hạn chế tình trạng thí sinh “rải” nguyện vọng quá nhiều nơi.

10 nguyện vọng trở lại

Trao đổi nhanh với nhiều học sinh lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Long, phần lớn các em cho biết chỉ ấp ủ từ 2 đến 3 ngành để xét tuyển, không kham quá nhiều. Em Võ Thanh Duy (học lớp 12/1 Trường THPT Phan Văn Hòa) cho rằng, chỉ cần giới hạn đăng ký từ 2 đến 3 ngành ở mỗi đợt xét tuyển, nhiều quá dẫn đến phân tâm, khó tập trung. Đồng quan điểm, em Trần Ngọc Như Ý (học lớp 12/15 Trường THPT Lưu Văn Liệt) bày tỏ: “Theo em, kỳ tuyển sinh ĐH nên giới hạn 3 đợt xét tuyển, mỗi đợt thí sinh được đăng ký 3 ngành vào 3 trường. Việc này sẽ hướng thí sinh chọn những ngành không đi xa quá khả năng. Còn nếu nhiều nguyện vọng, có thể các bạn sẽ chọn cả những ngành bản thân không thích”. Ở đợt xét nguyện vọng 1 sắp tới, Như Ý dự định chỉ đăng ký vào 2 ngành, trong đó, 1 ngành thuộc khối A và 1 ngành thuộc khối B.

Trong khi đó, em Lê Phạm Nguyệt Thanh (học lớp 12/2 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho hay, việc giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển phần nào tạo ra áp lực, nên em cảm thấy tâm lý thoải mái hơn khi không giới hạn. Theo Nguyệt Thanh, ngay cả khi Bộ GD-ĐT “mở cửa” thì chính học sinh sẽ biết tự giới hạn nguyện vọng đăng ký cho bản thân. Riêng em, mong muốn theo đuổi ngành kiến trúc nên dự định đăng ký vào 2 trường có đào tạo ngành này là ĐH Kiến trúc TP.HCM và ĐH Cần Thơ. Bên cạnh đó, em dự kiến thêm một ngành mà mức độ quan tâm nhẹ hơn là quản trị kinh doanh. Từ bản thân, Nguyệt Thanh cho rằng, mỗi thí sinh cần đăng ký tối đa 5 nguyện vọng là đủ, nhiều quá cũng không dùng hết.

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề, dù Bộ GD-ĐT không giới hạn số nguyện vọng, ngành, trường, nhưng bao nhiêu là vừa? Thí sinh có thể đăng ký 10 nguyện vọng cũng được nhưng điều đó phần nào cho thấy sự thiếu chín chắn của các em trong xác định hướng đi sau THPT. Thay vào đó, bà Mai khuyến khích học sinh ghi chú lại những ngành nghề (không quá 5 ngành) theo thứ tự ưu tiên để đăng ký. Và các ngành này nên thuộc cùng nhóm, lĩnh vực, tránh đăng ký các ngành quá khác xa nhau. Khi có điểm, các em được quyền thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng, tuy nhiên cần hết sức cân nhắc giữa lĩnh vực yêu thích với mức điểm thực tế của mình, đồng thời nghe ngóng tình hình mặt bằng điểm chung, điểm chuẩn… để lựa chọn.

ThS. Trương Tiến Sĩ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng nhìn nhận, thí sinh nên giới hạn đăng ký tầm 10 ngành/trường trở lại, không nên quá dàn trải. Và các em nên chia 10 ngành/trường đã chọn thành các nhóm, trong đó, nhóm đầu là nhóm ngành/trường mà cơ hội trúng tuyển không cao lắm (từ 2 đến 3 trường). Kế đến, những ngành/trường mà các em cảm thấy vừa sức, chắc chắn hơn nên đưa vào nhóm giữa. Nhóm còn lại là những ngành/trường mà thí sinh cảm thấy có khả năng đậu cao nhưng lại là nguyện vọng cuối cùng. Như vậy, nếu không trúng tuyển ở ngành/trường nhóm trên có thể sẽ trúng tuyển ở các ngành/trường nhóm dưới. Theo ông Sĩ, khâu này cực kỳ quan trọng vì với tình hình năm nay, khả năng xong đợt xét tuyển đầu tiên, các trường đều đã kín chỗ, thí sinh dễ mất cơ hội vào những trường mình đang phân vân nhưng lưỡng lự chưa đăng ký.

Tập trung khâu hướng nghiệp

Cho rằng không giới hạn số lượng nguyện vọng xét vào ĐH dành cho thí sinh là phù hợp, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) đưa ra 2 lý do. Thứ nhất, hiện nay với hình thức xét tuyển riêng, không dùng kết quả thi THPT quốc gia các em cũng đã có nhiều lựa chọn. Thứ hai, nhiều lựa chọn cũng sẽ giúp thí sinh an tâm hơn, đồng thời còn thể hiện sự chủ động của các em trong việc xác định cơ hội học tập cho bản thân. Điều này đều đã được các nước Âu, Mỹ thực hiện và nhiều du học sinh Việt Nam cũng đã trúng tuyển vào không ít trường ĐH trong đó.

Phía các trường ĐH cũng không gặp nhiều khó khăn vì thực sự các em đăng ký hàng loạt nguyện vọng nhưng cũng chỉ trúng tuyển vào một ngành của một trường. Bên cạnh đó, việc Bộ GD-ĐT hỗ trợ phần mềm cũng đã giảm đi tỷ lệ “ảo” trong xét tuyển.

“Thí sinh không thể lựa chọn nguyện vọng lung tung vì điều đó thể hiện các em chưa có kiến thức về hướng nghiệp. Thay vào đó, các em nên chọn một vài ngành gần nhau trong cùng nhóm ngành phù hợp với mình trước, sau đó chọn trường phù hợp với lực học và điều kiện gia đình. Để lựa chọn hiệu quả, các em liệt kê đầy đủ các ngành, trường mà mình dự kiến thông qua các bài trắc nghiệm khám phá bản thân cũng như qua tìm hiểu thông tin. Sau đó, các em nên gom lại, chọn khoảng không quá 3 ngành trong cùng nhóm ngành và cũng không quá 3 trường có gần điều kiện với nhau”, ThS. Phạm Thái Sơn lưu ý.

PGS.TS Đồng Văn Hướng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cùng nhận định, khi không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, khó tránh khỏi vấn đề một bộ phận thí sinh lựa chọn thiếu định hướng dẫn đến rối. Nhưng về lâu dài, đây là hướng đi phù hợp với xu thế chung của các nước. Năm đầu thực hiện có thể gặp những điều phức tạp, bỡ ngỡ nhưng dần các năm về sau sẽ ổn định. “Không nên quá gò bó nguyện vọng ở thí sinh. Thực ra, xu hướng của các nước thường thiên về chọn ngành chứ không phải chọn trường nhưng quy chế ở nước ta hiện nay dẫn đến chuyện chọn trường nhiều hơn. Do đó, muốn học sinh chọn được ngành phù hợp, cần mở cơ hội cho các em được chọn nhiều trường”, ông Hướng nói.

“Điều quan trọng là cần có các chương trình tập trung tư vấn, định hướng các em vào những ngành phù hợp với năng lực, sở thích. Vì thực tế, nhiều em trượt nguyện vọng 1, sau đó đăng ký vào những ngành nghề không tha thiết mấy, vào học được một thời gian lại chán, bỏ học, ôn thi lại gây lãng phí”, ông Hướng nhấn mạnh thêm.

Theo ThS. Phạm Thái Sơn, việc hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở các buổi nói chuyện mà cần có thêm các doanh nghiệp, chuyên gia về ngành nghề. Đặc biệt, nên cho học sinh tham quan, tiếp cận thực tế trước khi lựa chọn. Với quy chế hiện tại, vai trò hướng dẫn của các trường THPT về thao tác phần mềm hết sức quan trọng. Nếu thiếu hướng dẫn cặn kẽ, các em dễ rối sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.

Theo Giáo dục TP.HCM