Kỷ lục đăng ký 99 nguyện vọng xét tuyển đại học: Lãnh đạo các ĐH nói gì?

0
1053

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 11/5 đã có 1.014.972 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học với tổng cộng 3.508.718 nguyện vọng. Đặc biệt, thí sinh đăng ký nhiều nhất tới 99 nguyện vọng.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, việc thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhằm mục đích tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, đăng ký đến 99 nguyện vọng là không cần thiết.

Kỷ lục đăng ký 99 nguyện vọng xét tuyển đại học: Lãnh đạo các ĐH nói gì?
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội

Theo GS Đức, các thí sinh còn có cơ hội 3 lần điều chỉnh sau khi biết kết quả thi THPT. Vì vậy, việc chọn ngay từ bây giờ quá nhiều nguyện vọng là thừa thãi, và cũng không làm tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành, trường mà thí sinh yêu thích.

“Các thí sinh cần tìm hiểu kỹ về các trường đại học và những ngành nghề mình yêu thích, xét học lực của bản thân, nghiên cứu điểm trúng tuyển của các năm trước. Đó là những thông số quan trọng để lựa chọn trường và đăng ký nguyện vọng. Nguyên tắc là: Trước chọn ngành, sau chọn trường”, GS Đức đưa lời khuyên.

Kỷ lục đăng ký 99 nguyện vọng xét tuyển đại học: Lãnh đạo các ĐH nói gì?
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải. Ảnh: Thanh Hùng.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng: “Thí sinh cần hiểu rằng dù có đăng ký 100 nguyện vọng thì bạn cũng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng mà thôi. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, mà vấn đề quan trọng hơn là gây tăng nguyện vọng ảo và khó khăn trong việc xây dựng các phương án xét tuyển của các trường và gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh khi biết số lượng nguyện vọng đăng ký”.

Số nguyện vọng phù hợp, theo ông Chương là: đăng ký 1 ngành khoảng 3 nguyện vọng và một trường khoảng 3 ngành.

“Ngành phù hợp với năng lực của mình đặt ở mức trung bình, còn phải đăng ký ở mức cao hơn để phấn đấu và cả mức thấp hơn để an toàn”.

Kỷ lục đăng ký 99 nguyện vọng xét tuyển đại học: Lãnh đạo các ĐH nói gì?
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương

Qua kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh nhiều năm, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng khẳng định việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng là không cần thiết.

“Điều thật sự cần thiết là trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần hiểu được mình muốn làm nghề gì và muốn được phát triển trong môi trường như thế nào. Khi đã hiểu điều mình mong muốn, thí sinh sẽ lựa chọn nhóm ngành và nhóm trường phù hợp với mong muốn của mình, trong đó đảm bảo có các trường ở nhóm điểm cao và nhóm điểm thấp hơn, và sắp xếp lại theo mức độ yêu thích của mình. Khi đã có danh mục để lựa chọn, thí sinh đăng ký các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên mã xét tuyển mình mong muốn và phải đảm bảo có cả ngành và trường thuộc nhóm có điểm trúng tuyển dự kiến thấp hơn (căn cứ trên điểm trúng tuyển hàng năm của các trường).

Như vậy, thí sinh có thể trúng tuyển được ngành và trường mình yêu thích cao nhất trong khả năng của mình.

TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: Thời điểm sau khi biết kết quả thi và có quyền điều chỉnh nguyện vọng mới là lúc các thí sinh cần tỉnh táo xem xét mọi khả năng để có thể tăng hoặc thay đổi nguyện vọng, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.

“Đợt đầu nên chọn ngành mình thích, trường yêu thích để lấy động lực phấn đấu, thí sinh chỉ cần đăng ký từ 3 đến 5 nguyện vọng là vừa đủ”, ông Bình đánh giá.

Kỷ lục đăng ký 99 nguyện vọng xét tuyển đại học: Lãnh đạo các ĐH nói gì?
TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng

Dù thí sinh được chọn nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự từ nguyện vọng 1 (cao nhất) đến các nguyện vọng tiếp theo nhưng cần cân nhắc đến “cơ hội” thật sự của mình.

“Việc được đăng ký nhiều nguyện vọng đồng nghĩa với tăng cơ hội trúng tuyển, nhưng nếu không sắp xếp hợp lý sẽ dễ bị rối, đặc biệt là chọn sai trường, sai nghề. Thay vào đó, nên lựa chọn các ngành nghề phù hợp với bản thân, có năng lực, sở trường và yêu thích với nghề nghiệp đó. Sau đó, lựa chọn những trường có đào tạo các ngành nghề đó để đăng ký nguyện vọng” – ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho hay, về mặt lý thuyết, khi nhiều nguyện vọng thì tăng cơ hội trúng tuyển, song thực tế, số lượng thí sinh trúng tuyển ở những nguyện vọng sau giảm đi đáng kể.