Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: “Nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người là quan trọng nhất”

0
1005

“Việc chọn lựa cán bộ tham gia kỳ thi là khâu then chốt, đề nghị các địa phương cần đặc biệt lưu ý. Dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất” – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức.

Phối hợp với lực lượng công an để chọn được những cán bộ tốt nhất tham gia tổ chức kỳ thi

Về những điểm mới của kỳ thi năm nay, ông Mai Văn Trinh cho biết, nếu năm 2019, cán bộ, giảng viên đại học tham gia vào khâu coi thi, chấm thi trắc nghiệm, thì năm nay lực lượng này chỉ tham gia thanh tra, giám sát các khâu của kỳ thi.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người là quan trọng nhất - Ảnh 1.

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.

Để phòng ngừa gian lận, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là khâu thanh tra với sự tham gia của “ba cấp”, đó là Thanh tra của Bộ GD&ĐT, Thanh tra tỉnh và Thanh tra thuộc sở GD&ĐT. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, một giải pháp nữa để kỳ thi diễn ra nghiêm túc là năm nay Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập ở bậc THPT của thí sinh. Đây là bước quan trọng phản ánh chất lượng dạy học ở từng địa phương. Đồng thời cũng giúp phát hiện ra những nơi có bất thường để kiểm tra, đánh giá.

“Dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, việc chọn lựa cán bộ tham gia kỳ thi là khâu then chốt và đề nghị các địa phương cần đặc biệt lưu ý. Công tác lựa chọn con người ở các khâu in sao đề thi, bảo quản bài thi và chấm thi phải được lưu ý. Dù quy chế chưa bắt buộc, nhưng kinh nghiệm là khi lựa chọn cán bộ, các địa phương nên phối hợp với lực lượng công an để xác minh, làm sao lựa chọn được những cán bộ tốt nhất tham gia tổ chức kỳ thi”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người là quan trọng nhất - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi

Một số mốc quan trọng khác của kỳ thi được ông Mai Văn Trinh chia sẻ, cụ thể: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ ở các cấp trước ngày 15/6; tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh từ ngày 15/6 đến 30/6;. Hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ kiều kiện dự thi chậm nhất ngày 23/7. Trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1/8; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các Điểm thi trước ngày 4/8; coi thi từ 9-10/8/2020.

Về các điểm mới trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày (9,10/8/2020).

Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của Kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và của sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.

Theo Báo Dân Sinh