Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thay đổi nhiều so với năm trước. Nhiều trường ĐH tin tưởng sử dụng kết quả điểm thi để xét tuyển cho thấy vai trò và sự cần thiết của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bảo đảm mục tiêu giáo dục
Cô Vũ Thị Ngọc Dung- Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) khẳng định: Với phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như công bố, nhà trường, HS không có gì phải băn khoăn khi mọi thứ gần như giữ ổn định như năm trước.
Các em vẫn thi tại địa phương. Nội dung học được tinh giản cho phù hợp thời gian thực học. Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT cho thấy có sự điều chỉnh phù hợp với nội dung chương trình. Đặc biệt, nhiều trường ĐH vẫn xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp của học sinh.
“Tính sàng lọc học sinh vẫn bảo đảm (Bộ GD&ĐT ra đề thi), công tác thanh tra vẫn có sự tham gia của các trường ĐH nên vẫn có sự bảo đảm chất lượng và công bằng” – cô Dung chia sẻ.
Cô Lê Thanh Nga- giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Phương (Quảng Ngãi) cũng cho rằng: Vẫn biết không thi vẫn phải học, học để “ấm” vào thân nhưng để hiểu được điều này, các em cần có sự trải nghiệm. Do vậy, kỳ thi này là “chốt” sàng lọc cuối cùng cho chất lượng đào tạo, dạy và học của học sinh và giáo viên.
Tấm gương phản chiếu chất lượng dạy học
Theo TS Huỳnh Công Thái- Giảng viên ĐH RMIT, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đông Đô (TP.HCM) trao đổi: Bộ GD&ĐT cần phải đặc biệt lưu ý, rà soát lại chất lượng giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó ra đề thi cho phù hợp có tính phân loại. Điều này giúp thí sinh biết năng lực của mình, cùng với học bạ để có lựa chọn ngành nghề, trường ĐH-CĐ cho phù hợp.
Giáo viên, nhà trường nhìn vào phổ điểm của HS để biết chất lượng GD nói chung, từ đó cần điều chỉnh cái gì. Còn trường CĐ, ĐH coi đó là cơ sở để đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp.
Từ góc nhìn của mình, NGƯT Nguyễn Văn Ngai- Nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng: Giai đoạn trước, khi phương thức xét tuyển vào ĐH- CĐ còn áp dụng 50% điểm thi + 50% điểm học bạ, thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề như làm đẹp học bạ, học lệch nơi học sinh.
Đây là vấn đề chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận để xây dựng và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp với đề thi phù hợp (có tính phân loại) một cách tốt nhất. Hơn nữa, việc thí sinh thi bắt buộc 3 môn và lựa chọn 1 tổ hợp những năm qua đã giảm tình trạng học lệch, học tủ và luyện thi tràn làn.
“Năm nay, kỳ thi vẫn giữ nguyên hình thức, có khác là giảm mức độ khó cho phù hợp chương trình nhưng vẫn có tính phân loại để các trường ĐH- CĐ lựa chọn thí sinh sẽ giải tỏa nỗi lo cho các em khi học tập trong điều kiện dịch bệnh”- NGƯT Nguyễn Văn Ngai nhận xét.
Theo Báo Giáo dục và Đào tạo