Làm thế nào để viết đoạn văn ngắn hay?

0
1562

Trên thực tế, có rất ít thí sinh đạt điểm tối đa khi viết đoạn văn ngắn vì không nắm chắc lý thuyết hoặc yếu về diễn đạt, về lực học bộ môn.

LTS: Đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để viết đoạn văn ngắn hay?”, tác giả Lê Lam Hồng đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đề thi tốt nghiệp lớp 12 môn Ngữ văn trong mấy năm gần đây đều có phần yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn trong phạm vi số lượng chữ (dòng) nhất định.

Mọi người thường nghĩ viết một đoạn văn ngắn… sẽ ít tốn thời gian hơn và viết khoảng mười, mười hai dòng thì không… quá khó đối với các em học sinh.

Thực ra, muốn viết được đoạn văn ngắn hay cần phải trải qua một quá trình rèn luyện, không phải một sớm một chiều mà viết được.

Theo lý thuyết, đoạn văn là một bộ phận của văn bản. Nhiều đoạn liên kết với nhau chặt chẽ mới có bài văn (văn bản) hoàn chỉnh.

Đứng đầu đoạn văn là câu chủ đề, mang ý khái quát. Các câu còn lại làm nhiệm vụ triển khai, mở rộng các ý để làm rõ chủ đề đã nêu ở trên.

Trong mỗi đoạn văn lại có nhiều đoạn văn nhỏ liên kết với nhau. Thông thường, đoạn văn nhỏ có phần mở đoạn (giới thiệu, khái quát vấn đề); thân đoạn (kể diễn biến, mở rộng) và phần kết đoạn (tóm lại các ý, nêu định hướng…).

Làm thế nào để viết đoạn văn ngắn hay? (Ảnh minh họa: vov.vn).

Một khi chúng ta đã “nhập tâm”, đã hiểu tường tận và vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào thực tế viết bài thì lúc đó mới viết được đoạn văn hay, sâu sắc.

Nhưng, trên thực tế, có rất ít thí sinh đạt điểm tối đa khi viết đoạn văn ngắn vì không nắm chắc lý thuyết hoặc yếu về diễn đạt, về lực học bộ môn.

Khi được hỏi về độ khó của yêu cầu viết đoạn văn ngắn, thì nhiều học sinh cho hay là viết một bài văn hoàn chỉnh dễ hơn!

Đúng vậy, khi viết một bài hoàn chỉnh, các em đã có dàn ý, có tuần tự giải quyết vấn đề… Còn viết một đoạn văn, tức là bài văn hoàn chỉnh phải có sẵn trong đầu, theo yêu cầu của đề thì các em sẽ “tách” ra một đoạn để làm bài.

Mặt khác, phải là học sinh giỏi Văn, có năng khiếu mới viết đoạn văn ngắn hay được, đạt điểm tối đa được.

Cũng như có thể viết một câu chuyện dài thì dễ, viết một tản văn rất khó vì cần sự cô đọng, khái quát cao, có chiều sâu của suy nghĩ, chiêm nghiệm…

Vậy mà người ra đề quan niệm, nhìn nhận như thế nào mà luôn yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ hoặc từ 10 đến 12 dòng).

Thành ra, có thí sinh làm thành một bài văn hoàan chỉnh hoặc viết một đoạn văn không có đầu đuôi; viết tản mạn cho đủ số chữ, số dòng chứ không hiểu mình viết cái gì và nhằm làm rõ chủ đề gì.

Cũng cần nói thêm rằng: việc dạy và học Văn, mặc dù có đưa ra nhiều phương pháp đổi mới, nhưng thời gian qua vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Học sinh ít đam mê học Văn và hầu như không có chuyện học sinh thích luyện Văn bằng cách viết nhật ký hoặc đam mê sáng tác qua những đoạn văn ngắn, tản văn …

Vấn đề là giáo viên có truyền được ngọn lửa say mê học Văn như thế nào cho các em?

Giáo viên bộ môn Văn mà chưa viết được một đoạn văn ngắn đăng báo thì làm sao học sinh làm theo, học theo.

Và vấn đề tuyển chọn học sinh vào ngành sư phạm (nhất là bộ môn Văn) cần bổ sung năng khiếu viết để các em được truyền ngọn lửa say mê học Văn… a