Luật Giáo dục ĐH (Sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển toàn diện nền Giáo dục

0
1095
Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (Sửa đổi) là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong tuần qua, bên cạnh những thông tin về trao quyền tự chủ cho các trường đại học, công tác tuyển sinh đầu cấp tại các địa phương trên cả nước…

Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (Sửa đổi)

Ngày 14/6, với 414/453 (85,54%) đại biểu tán thành, Luật Giáo dục (Sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Luật Giáo dục (Sửa đổi) quy định tính chất, nguyên lý giáo dục gồm: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Về phát triển giáo dục, Luật quy định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.

Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.

Trước khi bấm nút thông qua toàn bộ dự án Luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 2 Điều gồm: Điều 2 – mục tiêu giáo dục tại trang 1 dự thảo Luật và Điều 99 – Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo – gồm 6 khoản.

Kết quả biểu quyết như sau: Đối với Điều 2, có 441/452 đại biểu tán thành bằng 91,12%. Đối với Điều 99: Có 441/446 đại biểu tán thành bằng 91,12%.

Luật Giáo dục (Sửa đổi) được kỳ vọng sẽ từng bước thúc đẩy GD chuyển động, góp phần quan trọng thay đổi nền GD nói chung, trong đó một trong những nội dung quan trọng là thay đổi về công tác quản lý của ngành.

Chính phủ cho phép mở rộng quyền tự chủ cho 3 trường ĐH

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Ngày 11/6, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết cho phép triển khai thí điểm mở rộng quyền tự chủ của 3 trường Đại học gồm: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân và Kinh tế TP.HCM.

Theo đó, trong giai đoạn 2019-2023, ba trường ĐH này được thí điểm áp dụng tuổi nghỉ hưu cao hơn (không quá 65 đối với nam và 60 đối với nữ) đối với chủ tịch hội đồng trường theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc này nhằm khuyến khích người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, uy tín và kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH, đủ sức khỏe, tự nguyện tham gia vào vị trí chủ tịch hội đồng trường.

 Theo Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT được yêu cầu xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 đảm bảo chi tiết, chặt chẽ, không để phát sinh tiêu cực; gian lận thi cử; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở địa phương, cơ sở.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ướng chủ động có các giải pháp tổ chức kỳ thi an toàn tuyệt đối, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về tính nghiêm túc, trung thực, công bằng của kỳ thi.

Cơ chế bầu chủ tịch hội đồng trường phải đảm bảo sự khách quan, cạnh tranh, minh bạch, tìm đúng người tài đức trên cơ sở ứng viên trình bày chương trình hành động và đối thoại trước hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng toàn trường. Giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành quyết định công nhận chủ tịch hội đồng trường với các trường hợp nêu trên.

Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại 3 trường ĐH trên và có xác nhận của các trường thì không thuộc diện cấp phép lao động.

Trước đó, 3 trường ĐH này đã được cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động về nhiều mặt: tài chính, nhân sự, tuyển sinh, đào tạo…

Tự chủ đại học “nóng” hơn từ câu chuyện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Thời gian qua, xung đột giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) vừa bùng nổ làm nóng trở lại vấn đề tự chủ đại học, trong đó nổi lên câu chuyện vai trò hội đồng trường và cơ quan chủ quản.

Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 được đánh giá cởi mở hơn trong vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường.

Cùng với đó, Chính phủ vừa có Nghị quyết cho phép thí điểm mở rộng quyền tự chủ, trong đó chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng cơ chế thí điểm mở rộng quyền tự chủ cho ba trường ĐH: Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM và Bách khoa Hà Nội.

Các trường này sẽ được mở rộng quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công, giấy phép cho lao động nước ngoài, kéo dài tuổi hưu của chủ tịch hội đồng trường…

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng khi có Bộ chủ quản thì tư duy muốn “quản” vẫn còn. Tại một trường ĐH, nhiều tháng liền không họp hội đồng trường được do Chủ tịch hội đồng trường là Bộ trưởng của Bộ chủ quản nhà trường bận đi công tác, đi nước ngoài liên tục. Do đó, nhiều quyết sách quan trọng lẽ ra phải do hội đồng quyết định nhưng đều bị ách lại do không họp được.

Nhiều ý kiến cho rằng, tự chủ hiện nay của các trường ĐH chỉ là tự chủ nửa vời. Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép Bộ chủ quản. Khi không còn Bộ chủ quản, các trường ĐH sẽ phát triển nhanh do không có rào cản. Nhiều nước trên thế giới chỉ quản chất lượng trường ĐH khi đăng ký kiểm định, còn lại do thị trường quyết định.