Ngày 1.4, thí sinh cả nước bắt đầu khai hồ sơ đăng ký dự thi THPT đồng thời đăng ký xét tuyển nguyện vọng ĐH, CĐ.
Thí sinh cần hết sức lưu ý những thay đổi quan trọng để không mất cơ hội ở kỳ thi “2 trong 1” này.
Đăng ký 2 bài thi tổ hợp bắt buộc phải thi cả 2
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi quan trọng nhất là cách thức chọn môn thi. Theo quy chế, để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh (TS) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Thạc sĩ Sơn nhấn mạnh: “TS được chọn đăng ký thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là TS đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp bắt buộc phải thi cả 2 bài này. Nếu bỏ một trong 2 bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét tốt nghiệp”.
Còn với điểm mới trong cách tính điểm xét tốt nghiệp với 70% điểm từ bài thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cho rằng: “TS cần lưu ý chọn môn, bài thi để đảm bảo tuyệt đối không bị điểm liệt, điểm các môn đạt mức cao nhất. Muốn vậy tốt nhất học sinh nên tập trung chọn 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và chỉ một bài tổ hợp theo thế mạnh bản thân”.
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Ngay thời điểm này, TS vừa phải quyết định số lượng môn thi cùng với số lượng nguyện vọng xét tuyển. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn khuyên: “Không nên chọn quá nhiều nguyện vọng, chỉ khoảng tối đa là 4 để có sự tập trung vào các ngành nghề phù hợp nhất với bản thân. Nếu quyết định ngành nghề giai đoạn này chưa thật sự chính xác, TS vẫn còn cơ hội điều chỉnh vào tháng 7 sau khi biết kết quả thi”.
“TS cần thực sự nghiêm túc trong việc chọn ngành, không chọn ngành theo bạn bè, theo ngành “hot” mà bỏ qua yếu tố đam mê, sở thích bản thân và năng lực của mình là điểm cần lưu ý quan trọng khi đặt bút khai hồ sơ dự thi”, thạc sĩ Sơn tư vấn.
Một điểm mới quan trọng trong xét tuyển năm nay liên quan đến ngành sức khỏe và sư phạm. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, lưu ý năm nay có quy định về ngưỡng điểm tối thiểu xét tuyển vào các ngành này. Phương thức xét tuyển học bạ yêu cầu xếp loại học lực khá, giỏi lớp 12; phương thức xét tuyển bằng kết quả thi không quy định về học lực nhưng sẽ có quy định điểm “sàn” do Bộ GD-ĐT công bố sau này.
Nhiều trường không tuyển sinh theo mã chuyên ngành
Một trong những thông tin quan trọng trong hồ sơ đăng ký dự thi là đăng ký ngành xét tuyển. Trong đó, phần D của phiếu này là thông tin dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC, yêu cầu TS đăng ký các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong bảng này, TS phải khai rõ mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành và mã tổ hợp xét tuyển.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, trong hồ sơ đăng ký dự thi, bên cạnh thông tin cá nhân thì TS cần lưu ý mã ngành và mã tổ hợp xét tuyển khi khai hồ sơ. Trong năm 2019, khi khai hồ sơ TS càng cần lưu ý thông tin về mã ngành và mã chuyên ngành do có nhiều thay đổi trong xét tuyển mã chuyên ngành ở các trường.
Chẳng hạn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM không còn xác định chỉ tiêu, mã chuyên ngành và tổ hợp xét tuyển riêng cho các chuyên ngành mà gom chung vào các ngành. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay cũng tuyển sinh theo từng mã ngành thay vì mã chuyên ngành và nhóm ngành như năm trước; ngoại trừ chuyên ngành quản trị bệnh viện (thuộc ngành quản trị). Tuy nhiên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vẫn tiếp tục tuyển sinh bằng mã chuyên ngành với các chuyên ngành thuộc ngành khoa học hàng hải.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng TS khi khai thông tin về mã ngành cần lưu ý để không bị nhầm lẫn vì đăng ký sai mã ngành chính là sai nguyện vọng học tập.