Từ 13/8, các trường tuyển nguyện vọng bổ sung và đây chính là cơ hội cho các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào đại học. Để tránh tuột mất cơ hội này, các thí sinh cần lưu ý nguyện vọng và thông tin trường đăng ký.
Theo Bộ GD&ĐT, tính đến 12h00 ngày 8/8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000.
Theo kế hoạch đến hết ngày 12/8 quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học kết thúc. Dự báo đợt 1 các trường sẽ tuyển được khoảng 80% tổng chỉ tiêu. Như vậy, vẫn còn khoảng 100.000 cơ hội cho thí sinh.
Nên tận dụng tối đa nguyện vọng
Trong lần điều chỉnh nguyện vọng vừa qua, nhiều thí sinh chủ quan không tận dụng tối đa nguyện vọng của mình nên đã tuột mất cơ hội trúng tuyển vào ĐH trong đợt đầu tiên.
Ở lần xét tuyển bổ sung này, thí sinh còn rất nhiều cơ hội trúng tuyển đại học ở các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, những ngành học mới, hoặc trúng tuyển qua hình thức xét học bạ THPT. Tuy nhiên, để có tấm vé cuối cùng vào đại học ở đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh cần cân nhắc và tỉnh táo trước khi quyết định đăng ký vào ngành, trường nào.
150 trường đại học chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Một số trường đại học tốp trên do số thí sinh trúng tuyển không đến xác nhận nhập học cũng sẽ xét tuyển thêm ở đợt này.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Trần Văn Tớp cho rằng, với cách xét tuyển năm nay (không giới hạn nguyện vọng) thì thí sinh điểm cao không thể trượt được đại học, trừ trường hợp các em chỉ “bỏ trứng vào một giỏ” – tức là chỉ đăng ký đúng 1 nguyện vọng mình ưa thích.
Tìm hiểu kỹ về trường đăng ký nguyện vọng
Theo quy định, các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được thực hiện từ sau 13/8 và thời gian kết thúc sẽ do quy định riêng của từng trường, đến khi nhận đủ chỉ tiêu.
Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung sẽ từ mức điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên, nhiều trường top trên thậm chí có sự chênh lệch đến 2-3 điểm.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, các thí sinh nên tận dụng tối đa nguyện vọng, nên đăng ký nhiều nguyện vọng, đừng để tình trạng học một ngành mà mình không thích.
Thí sinh phải thật bình tĩnh theo dõi các trường dự tính xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Muốn xét tuyển trường nào, thí sinh phải liên hệ trường hoặc xem website trường đó. Các thí sinh cũng chỉ có một phiếu điểm, khi chưa quyết định học ở đâu thì chưa nên nộp. Vì đã nộp phiếu điểm xác nhận nhập học, không được rút ra.
Nhiều trường còn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu
Đến thời điểm này, nhiều trường công bố nguyện vọng bổ sung lên tới hàng nghìn chỉ tiêu.
Cụ thể, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam vừa thông báo tuyển gần 1.000 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung đợt 1 (NV2) với điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên vừa thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 năm 2017 với 1.150 chỉ tiêu.
Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 năm 2017 với hơn 300 chỉ tiêu. Điểm nộp hồ sơ xét tuyển các ngành từ 16,5 đến 22,5 điểm.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM xét tuyển bổ sung 60 chỉ tiêu bậc cao đẳng ngành bảo dưỡng công nghiệp. Phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 (tổ hợp A00; A01).
Điều kiện xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có trung bình cộng của các điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 đạt từ 6,0 trở lên và đạt điểm sàn xét tuyển từ 14 điểm trở lên.
ĐH Công nghệ TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 3 ngành Thú y, An toàn thông tin và Kinh doanh quốc tế từ 15,5 điểm trở lên (mức điểm thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1 là 0,5 điểm). Đối với các ngành khác mức điểm nhận hồ sơ từ điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên.
Có 3 phương thức xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Nộp trực tiếp nơi mình đăng ký, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Thí sinh cần theo dõi thông tin trên website các trường để tránh thất lạc hồ sơ. Với cách xét tuyển trực tuyến, thí sinh có thể đăng nhập vào địa chỉ thisinh.thithptquocgia.edu.vn để thực hiện các thao tác.
TPO