Việc Bộ GD-ĐT “mở đường” cho các trường đại học lớn tuyển các thí sinh có điểm xét tuyển 3 môn trên 27 điểm nhưng trượt tất cả các nguyện vọng đã có quan điểm trái chiều.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng, điểm chuẩn đại học theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay trên bình diện chung là bình thường, nếu nhìn dưới góc độ kỹ thuật của quy định xét tuyển. Tuy nhiên, thực tế năm 2021 có 2 vấn đề nổi cộm là một số ít ngành có điểm trúng tuyển trên 30 điểm và có một số thí sinh điểm rất cao nhưng trượt hết các nguyện vọng (theo phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT).
Ở vấn đề thứ nhất, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, trong hơn 3.000 ngành tuyển sinh ở gần 250 trường đại học thì chỉ có 3-4 ngành có điểm chuẩn trên 30 điểm. Đó là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (30,5 điểm), ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân (30,34 điểm) và ngành Hàn Quốc học khối C của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (30 điểm).
Lý do là những ngành này ít chỉ tiêu nhưng có rất đông thí sinh đăng ký xét tuyển và lại là các thí sinh có điểm thi cao nên đã đẩy điểm chuẩn trúng tuyển lên rất cao.
Thí sinh thi tốt nghiệp năm 2021 (Ảnh: Thanh Tùng) |
Vấn đề thứ hai về phía thí sinh, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 165 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở tổ hợp 3 môn xét tuyển, chưa tính điểm ưu tiên, nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó có hơn 107 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.
“Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, các em được điều chỉnh nguyện vọng, thậm chí được điều chỉnh đến 3 lần, được quyền đăng ký thêm nguyện vọng. Minh chứng là trong đợt điều chỉnh nguyện vọng vừa qua có đến 45% thí sinh điều chỉnh, và có đến gần 85.000 nguyện vọng được bổ sung thêm. Tuy nhiên, một số ít em điểm cao đã không điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng để bảo đảm quyền lợi và cơ hội trúng tuyển của chính mình, dẫn đến hệ quả là 165 thí sinh trên 27 điểm xét tuyển và vẫn không trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (những thí sinh này có thể đã trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh khác)”- TS Nghĩa phân tích.
Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc Bộ GD- ĐT yêu cầu các trường ĐH xét trúng tuyển cho 165 thí sinh này có thể đưa đến những vấn đề “dắt dây” khác. Như vậy các thí sinh có điểm thi dưới 27 nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng nào thì sao? Vì sao lại phải “ưu ái” cho những thí sinh không thực hiện các quy định có lợi cho chính mình?
Giám đốc tuyển sinh một trường đại học ở phía Nam thì cho rằng, các trường đại học rất thích có nhiều thí sinh điểm cao trúng tuyển nhưng phải tuyển sinh theo cam kết đã được đưa ra trong đề án và nếu đã đủ chỉ tiêu thì không thể nào tuyển sinh thêm được nữa.
Nếu năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường đại học có thể tuyển sinh thì năm sau sẽ như thế nào? “Năm sau nếu thí sinh có điểm cao lại đăng ký vào trường và vượt chỉ tiêu thì sao? Lúc đó vấn đề này lại phải bàn lần nữa. Nên chăng Bộ cho các trường đại học được tuyển sinh vượt chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không vượt chỉ tiêu tốt nghiệp. Như vậy vừa giải quyết được bài toán mới đặt ra, vừa giải quyết được chất lượng của các trường đại học và điều này bắt thí sinh phải học tập đàng hoàng nếu muốn học ở trường đại học mình mong muốn”-ông nói.
Các trường có quyền không thực hiện
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, năm nay có gần 800.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học nên con số 165 thí sinh có tổng điểm 3 môn trên 27 không trúng tuyển trường nào chỉ là số rất nhỏ. Việc này tầm hiệu trưởng các trường là dư sức giải quyết.
Trước ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT “mở đường” cho 165 thí sinh như vậy có công bằng với các thí sinh khác ở mức 25-26 và có can thiệp vào quyền tự chủ tuyển sinh của các trường hay không, ông Tùng cho rằng các trường có thể thực hiện hoặc không, còn việc công bằng thì để thí sinh đánh giá. Hiện có nhiều trường vẫn đang tuyển sinh đợt 2 và thí sinh có thể tự đăng ký.
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay ngày hôm kia ông đã tư vấn cho đội ngũ lãnh đạo mới nên tuyển những thí sinh này. Hiện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã có thông báo tuyển thẳng thí sinh điểm cao rớt đại học.
“Phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi ở đây là do thí sinh bởi phần mềm xét tuyển cho thí sinh đăng ký vô số nguyện vọng. Nguyên tắc xét tuyển “lọt sàng xuống nia”, do vậy thí sinh đăng ký càng nhiều thì xác suất trúng tuyển cao. Nhưng chúng ta cũng xét đến khả năng các em có lý do riêng. Có thể gia đình các em khó khăn và trong 165 thí sinh này đa số đăng ký vào quân đội, công an đây là những trường bao cấp từ chi phí học tập tới việc làm. Do hoàn cảnh có thể các em nghĩ rằng chỉ có thể học tập ở những trường này và đỗ vào trường khác cũng không thể đi học nên không đăng ký”.
Đối với các thí sinh dưới 27 cũng bị trượt, ông Dũng cho rằng sẽ có những trường top dưới tuyển. Các trường tiếp nhận nhưng đi học hay không là quyền của thí sinh.
Bộ GD-ĐT: Đúng quy chế
Trao đổi với VietNamNet sáng 22/9, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, việc này hoàn toàn đúng quy chế, không có ngoại lệ và không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
“Trong thời gian này, các trường đại học đang lập kế hoạch xét tuyển bổ sung. Thông thường, các trường đại học sẽ không xét tuyển bổ sung các ngành có điểm chuẩn cao, như vậy nhiều thí sinh có điểm cao không trúng tuyển đợt 1 sẽ không còn cơ hội theo học các ngành này. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với một số trường đại học xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu và xét tuyển bổ sung một số ngành có điểm chuẩn cao, tạo cơ hội cho các em đạt điểm cao không trúng tuyển đợt 1 (không chỉ các em đạt tổng điểm 27 trở lên)”, đại diện Bộ GD-ĐT nói.
Cũng theo vị này, tùy theo yêu cầu, điều kiện cụ thể, các trường sẽ công bố kế hoạch và chỉ tiêu tuyển bổ sung nhưng không vượt quá năng lực đào tạo, yêu cầu ngưỡng điểm tối thiểu đối với từng ngành và tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế tuyển sinh, trong đó điểm xét trúng tuyển đợt bổ sung không thấp hơn đợt 1.
Vị này nhấn mạnh, về cơ bản, việc này chỉ mang tính chất là “nhắc” các trường bởi các trường lớn thường không nghĩ đến việc phải tuyển bổ sung.
“Các trường thấy còn chỉ tiêu tuyển sinh thì sẽ tuyển bổ sung, còn tất cả vẫn theo đúng quy chế tuyển sinh và cũng không hề có bất kỳ một ngoại lệ nào. Việc xét tuyển bổ sung cũng được tiến hành lấy từ cao xuống thấp, điểm chuẩn xét tuyển bổ sung sẽ không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển lần 1 thì không ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh”, vị này nói.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, theo quy chế tuyển sinh, các trường đại học được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm và được tự chủ tuyển sinh theo đề án đã công bố. Quy chế không cấm các trường điều chỉnh đề án tuyển sinh và cũng không cấm các trường điều chỉnh chỉ tiêu trong đề án, miễn là việc điều chỉnh không vi phạm quy định về các điều kiện xác định chỉ tiêu.
“Tạo cơ hội thêm cho thí sinh (mặc dù có em đã có lựa chọn chưa sáng suốt) theo đúng quy chế mà không ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh khác, theo chúng tôi, đó là việc nên làm”, đại diện Bộ GD-ĐT nói.