Để “nồi cơm” luôn đầy, để vơ vét nguồn tuyển, các trường đại học này không cho giảng viên trẻ được đi học cao học ở các trường đại học hàng đầu… mà buộc giảng viên phải học cao học tại trường theo kiểu “của nhà trồng được”.
Trên báo Tiền phong online ngày 31/8/2017 [1], tác giả bài viết “Nhiều trường sống nhờ đào tạo thạc sĩ” đưa ra nhận định gây “sốc”: “Cách đây hơn chục năm, “nồi cơm” của các trường đại học (ĐH) chính là đào tạo tại chức (hệ vừa học vừa làm). Nhưng đến giờ, có thể thấy, “nồi cơm” của các trường chính là đào tạo thạc sĩ. Bằng chứng là có trường ĐH hai, ba năm nay không tuyển được một sinh viên chính quy nào nhưng vẫn sống được nhờ đào tạo 200 thạc sĩ/năm”.
Vậy đào tạo Thạc sĩ có thực sự là “nồi cơm” của tất cả các Trường Đại học không? Bài viết này sẽ phần nào lý giải một phần bức tranh đào tạo Thạc sĩ Việt Nam hiện nay.
Tiêu chuẩn vào Cao học ngày càng thấp dần đều
Thế kỷ trước, giai đoạn năm 1975-1990, chỉ một số rất ít trường Đại học được phép đào tạo thạc sĩ nhưng số lượng người muốn thi Cao học đông nên đối tượng được nộp hồ sơ thi Cao học lúc đó phải là giảng viên Đại học có bằng Đại học chính qui loại giỏi. Nếu là Giáo viên Cao đẳng Sư phạm hoặc phổ thông trung học phải là người đang nằm trong quy hoạch lãnh đạo sở giáo dục.
Dần dần, theo năm tháng,“trăm hoa đua nở”, các Trường Đại học mới thành lập đều “phấn đấu” bằng mọi giá để được phép đào tạo Thạc sĩ, do đó nguồn tuyển cao học cho các Trường Đại học ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, nên điều kiện để học cao học “ngày càng thấp dần đều”, chấp nhận cả người tốt nghiệp đại học từ xa, tại chức và cả những người thất nghiệp ngoài xã hội. Có nơi còn tuyển những học viên không thi đỗ đầu vào cao học. Trước khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ mới thi lại tuyển sinh đầu vào Cao học.
Những nẻo đường trở thành Thạc sĩ, từ nồi cơm biến thành của nợ
Tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm, vay tiền học lên thạc sĩ được nhiều cử nhân kỹ sư chọn để làm đẹp hồ sơ trong hành trình đi xin việc. Thế nhưng dù bảo vệ luận văn xuất sắc nhưng cuối cùng nhiều thạc sĩ vẫn thất nghiệp đành phải ngậm ngùi “xếp bút nghiên lên đường đi học nghề” ….. làm công nhân kiếm tiền giả nợ.
Có thể giải thích hiện tượng trên như sau: mỗi bậc học có một mục tiêu đào tạo khác nhau. Đào tạo Thạc sĩ theo hướng nghiên cứu hàn lâm, còn trung cấp nghề thì chú trọng đến kỹ năng thực hành.
Người sử dụng lao động hiện nay đang dần tiến đến sử dụng lao động theo đúng mục đích, không sử dụng bằng cấp làm trang sức. Do đó khi nhu cầu sử dụng cán bộ nghiên cứu có hạn, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề lớn thì nhiều thạc sĩ ra trường âm thầm lặng lẽ cất tấm bằng chấp nhận học nghề để làm công nhân nhằm duy trì cuộc sống hàng ngày…
Giữ chân giảng viên, sinh viên như “cấm vận” gái làng, thi nhau giành giật “nồi cơm” của các Đại học
Câu chuyện các trai làng “bao vây, cấm vận” không cho “gái làng” mình được yêu người ngoài tưởng chỉ là chuyện đùa, không ngờ cũng được “vận” vào một số Trường Đại học mới được cấp phép đào tạo thạc sĩ.
Để “nồi cơm” luôn đầy, để vơ vét nguồn tuyển, các trường Đại học này không cho giảng viên trẻ được đi học cao học ở các trường Đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia HN… buộc giảng viên phải học Cao học tại Trường theo kiểu “của nhà trồng được”.
Thậm chí những SV mới tốt nghiệp Đại học chưa tìm được việc làm cũng bị các trường làm công tác tiếp thị để học tiếp Cao học của Trường mình. Nhiều SV tốt nghiệp loại trung bình, thay vì đi học thêm kỹ năng mềm để đi xin việc, thì bị những chiêu tuyên truyền (như tiếp thị mua bảo hiểm, đa cấp) đành “nhắm mắt đưa chân” học tiếp Cao học.
Bài “Nhiều trường sống nhờ đào tạo thạc sĩ” [1] đưa ra hình ảnh “Tại trường ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định, mùa tuyển sinh năm 2017 trường không tuyển được sinh viên hệ chính quy nào, do chất lượng đào tạo không so sánh được với các trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội…” tương phản với :”Do đó, dù chỉ có một ngành đào tạo thạc sỹ duy nhất là quản lý kinh doanh, nhưng đây lại là “nồi cơm” giúp trường tồn tại. Trường đã tuyển được 6 khóa đào tạo thạc sỹ với khoảng 200 học viên/năm…!?
Để “nồi cơm” của Trường ngày càng phình to, cũng trong bài trên đưa ra thông tin: “Trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên &Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, trường này (ĐH Lương Thế Vinh) còn đề xuất về việc được mở rộng mô hình đào tạo trình độ thạc sỹ ở nhiều chuyên ngành khác nhau.“
Chúng ta đều biết rằng, nguồn tuyển đại học và Cao học như chiếc bánh và không có phép màu nào làm chiếc bánh to lên, do đó nếu có người ăn nhiều thì người khác sẽ phải ăn ít đi. Khi số các trường Đại học mới thành lập được phép chiêu sinh Cao học thì nguồn tuyển cao học của Các Trường Đại học lớn truyền thống sẽ giảm đi.
Nghịch lý Giáo dục Việt Nam: Chất lượng càng cao số lượng tuyển sinh càng thấp
Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ lấy Đại học Bách khoa Hà Nội làm ví dụ
Theo [2], ngày 12/6/2017, Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK HN) được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm. Đây là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế.
Theo [3], Tháng 7/2017 vừa qua, Webometrics công bố bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới, trong đó Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội vươn lên vị trí đầu tiên trong các trường đại học của Việt Nam. ….
…………..
Đáng lẽ ra, với uy tín và chất lượng đào tạo được Quốc tế kiểm định như vậy, ĐHBK HN phải thu hút được nhiều học viên nộp đơn xin thi vào cao học, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Theo [4] năm 2011, ĐHBK HN tuyển được 3.053 học viên cao học theo học tại 32 chương trình đào tạo thạc sĩ. Theo [5] & [6], năm 2017 ĐHBK HN tuyển sinh cả 2 đợt ước tính chỉ khoảng 800 học viên cao học, bằng ¼ số cao học năm 2011.
Điều đáng nói là năm 2017 ĐHBK HN tuyển sinh 32 ngành khác nhau được 800 học viên, trong khi ĐH Lương Thế Vinh chỉ tuyển 1 ngành duy nhất cũng được 200 học viên/1 năm
Theo [1], nếu đề xuất của ĐH Lương Thế Vinh mở rộng mô hình đào tạo trình độ thạc sỹ ở nhiều chuyên ngành khác nhau được Bộ Giáo dục & đào tạo chấp nhận thì rất có thể số học viên cao học của Trường ĐH Lương Thế Vinh sẽ nhiều hơn số học viên Cao học của ĐHBK HN !?
Vẫn biết rằng so sánh giữa hai trường: ĐHBK HN (Đại học hàng đầu Việt Nam) và ĐH Lương Thế Vinh (Đại học không tuyển được sinh viên nào) là “khập khiễng”. Tuy nhiên, nếu số học viên Cao học của Đại học hàng đầu Việt Nam như ĐHBK HN ngày càng “thấp dần đều”, trong khi số học viên Cao học của ĐH Lương Thế Vinh lại ngày càng “tăng dần đều” sẽ là một nghịch lý, một lỗi hệ thống trong Giáo dục đại học Việt nam
Làm thế nào để sửa được lỗi này rất cần đến cả hệ thống Chính trị và người đứng đầu Bộ giáo dục quan tâm nghiên cứu và có giải pháp nghiêm túc.
Dân trí