Lãnh đạo các tỉnh Phú Thọ, Kiên Giang, Cần Thơ, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất giữ kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm tới.
Tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/8, câu chuyện tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được nhiều đại biểu bàn thảo.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khi phát biểu khai mạc hội nghị đã thừa nhận nhiều hạn chế trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018. Cụ thể, đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, nhưng đã làm cho đề khó hơn các năm trước và khó so với yêu cầu của thi THPT quốc gia.
Phần mềm chấm trắc nghiệm THPT quốc gia được đánh giá là cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi, nhưng còn những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả. Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ Giáo dục trong tất cả khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận.
“Chúng tôi mong các đồng chí có cái nhìn khách quan về kỳ thi THPT quốc gia, cái gì được phải khẳng định, cái chưa được sẽ thẳng thắn thừa nhận. Đổi mới là một quá trình và trong quá trình ấy chúng ta không thể cầu toàn nhưng tuyệt đối không chủ quan khi thấy những điều cần sửa chữa”, ông Nhạ nói và bày tỏ mong muốn được nghe góp ý từ địa phương.
Tại đầu cầu Kiên Giang, Cần Thơ, đại diện hai địa phương đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Sự gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La chỉ là cá biệt, hy hữu. Do đó, với một kỳ thi giảm tải được nhiều khó khăn cho học sinh, phụ huynh, được người dân đồng thuận, Bộ Giáo dục nên duy trì tổ chức. Song song với việc đề ra giải pháp ngăn ngừa gian lận, Bộ không nên có những thay đổi lớn trong tổ chức để ổn định tâm lý học sinh.
“Không thể vì sai phạm ở Hà Giang, Sơn La mà chúng ta xóa đi cả lộ trình đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Ngô Thị Minh nói. Cho rằng cần giữ ổn định kỳ thi này, bà Minh đề xuất Bộ Giáo dục xem xét lại việc ra đề thi sao cho chuẩn hóa và phù hợp với mục tiêu số 1 của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT.
Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển 90% chỉ tiêu, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Thọ Đạt rất lo lắng về chất lượng sinh viên sau những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La. Xác định điểm đầu vào không hoàn toàn quyết định chất lượng đào tạo và kết quả đầu ra của sinh viên nhưng đây vẫn là căn cứ quan trọng để tuyển sinh. Ông Đạt kiến nghị trong khi duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020 Bộ cần có giải pháp để đảm bảo chất lượng.
Về đề thi, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, mục tiêu số 1 là xét tốt nghiệp THPT nhưng đề vẫn cần phân hóa để phân loại được học sinh tốt nghiệp loại giỏi – khá – trung bình. “Khi đề thi đạt yêu cầu như thế, lẽ tự nhiên sẽ là căn cứ tốt để các đại học tuyển sinh, trường chúng tôi cũng tin tưởng chất lượng tuyển đầu vào”, Hiệu trưởng Nguyễn Thọ Đạt nói và cho rằng cần nhất quán trong khâu ra đề, tránh tình trạng năm nay quá dễ, năm sau lại quá khó.
Về công tác coi thi, lãnh đạo trường đại học đề xuất phải có sự tham gia của cán bộ đại học ở tất cả khâu. Quy định xếp thí sinh tự do vào một phòng thi riêng, theo ông Đạt là “lỗ hổng” để tiêu cực có thể xảy ra. “Không nên để địa phương tự chấm bài của thí sinh tỉnh mình mà cần tổ chức chấm chéo hoặc chấm thi theo cụm. Bài trắc nghiệm cũng cần cải thiện về mặt công nghệ để tránh tạo kẽ hở cho gian lận xảy ra”, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nói.
Tổng kết hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam không nhắc nhiều về câu chuyện gian lận điểm thi. Ông chỉ chia sẻ ngắn gọn đổi mới trong giáo dục là quá trình, từ việc nhỏ như tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng có lộ trình trình bắt đầu làm từ 2015 đến 2021 thì mới xong. “Trong quá trình ấy, không có giải pháp nào là hoàn hảo hết. Mỗi quyết sách giáo dục được đề ra có liên quan đến từng gia đình, cá nhân. Vì thế, điều gì đã vạch ra thì ta phải kiên trì thực hiện”, ông Đam nói.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 30/7, nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, song song với việc cải thiện một số khâu trong kỳ thi để đảm bảo chất lượng.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khi họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tốt hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương. Hiện việc bỏ thi tốt nghiệp THPT là trái với Luật Giáo dục, việc Bộ đứng ra tổ chức thi đại học là vi phạm quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục đại học.
Theo VNexpress