Một trường đại học có tổng chỉ tiêu tuyển sinh 1.800 cho 17 ngành đào tạo. Tuy nhiên, số thí sinh trúng tuyển 1 ngành của trường này đã chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu, vượt gần 1.600% chỉ tiêu của ngành theo đề án tuyển sinh.
Theo đề án tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo với 4 phương thức tuyển sinh. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 793 chỉ tiêu.
Quyết định điểm chuẩn và công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 2.349 thí sinh trúng tuyển, vượt hơn 500 thí sinh so với chỉ tiêu tuyển.
Đáng chú ý, một số ngành có lượng thí sinh trúng tuyển vượt xa chỉ tiêu. Chỉ tính riêng 3 ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và quản lý đất đai, số lượng thí sinh trúng tuyển đã 1.968, gấp gần 3 lần chỉ tiêu theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT của 17 ngành và cao hơn tổng chỉ tiêu của trường.
Trong đó, ngành quản trị kinh doanh có 60 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trường gọi trúng tuyển đến 943 thí sinh, vượt chỉ tiêu đến 1.571%, chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Tổng chỉ tiêu 4 phương thức tuyển sinh của ngành là 120, số thí sinh trúng tuyển cũng vượt gần 800%.
Ngành công nghệ thông tin có 55 chỉ tiêu nhưng trường cũng gọi trúng tuyển đến 445 thí sinh, hơn 800% lần chỉ tiêu. Ngành quản lý đất đai có 125 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 573 thí sinh, vượt 460% so với chỉ tiêu.
PGS.TS Huỳnh Quyền – hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM – cho biết qua 8 lần lọc ảo và căn cứ vào tỷ lệ nhập học thực tế năm trước, trường quyết định gọi trúng tuyển hơn 900 thí sinh cho ngành quản trị kinh doanh. Tuy nhiên tỷ lệ ảo năm nay quá lớn nên sau khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học, chỉ có 180 thí sinh nhập học/120 chỉ tiêu.
Một số ngành ở các Trường ĐH Đà Lạt, Đồng Nai cũng tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều. Tại Trường ĐH Đà Lạt, ngành kế toán có 50 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 548 thí sinh. Như vậy số thí sinh trúng tuyển vượt gần 1.100%.
Ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tuyển 130 chỉ tiêu nhưng trường gọi trúng tuyển 655 thí sinh, ngôn ngữ Anh 130 chỉ tiêu tuyển 342, Đông phương học 125 chỉ tiêu tuyển 331 thí sinh.
TS Trần Hữu Duy – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Đà Lạt – cho biết căn cứ vào tỉ lệ nhập học thực tế những năm trước, trường quyết định gọi thí sinh trúng tuyển để trừ hao vì lượng thí sinh ảo rất lớn.
Theo ông Duy, quy chế tuyển sinh cho thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, các trường tuyển nhiều phương thức. Có những thí sinh đã trúng tuyển vào trường khác nhưng trường không quét mã vạch để loại thí sinh khỏi hệ thống xét tuyển, hoặc do tình hình dịch bệnh nên việc thí sinh không gửi được giấy chứng nhận kết quả thi cho trường.
Từ đó dẫn đến tình trạng thí sinh trúng tuyển ở nhiều trường nhưng chỉ có thể nhập học ở một trường.
“Trường gọi vậy nhưng lượng thí sinh nhập học chỉ đủ chỉ tiêu. Nếu gọi trúng tuyển đúng hoặc vượt chỉ tiêu ít, số thí sinh nhập học thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số cần tuyển” – ông Duy cho biết.
Tại Trường ĐH Đồng Nai, nếu tính theo số lượng thí sinh đã xác nhận nhập học, nhiều ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu. Chẳng hạn ngành giáo dục tiểu học có 350 chỉ tiêu, 546 thí sinh xác nhận nhập học; ngôn ngữ Anh 100 chỉ tiêu, 283 thí sinh nhập học, vượt gần 200% so với chỉ tiêu.
Theo quy định về xác định chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT, các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như giảng viên, cơ sở vật chất phòng học, thí nghiệm, thực hành, thư viện…