Nhiều ngành đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 hấp dẫn TS

0
1813
Năm 2018 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được giao chỉ tiêu tuyển sinh ổn định như năm trước với tổng 1.220 chỉ tiêu ở cả 13 ngành đào tạo sư phạm, 6 ngành ngoài sư phạm.

Nhiều ngành đào tạo hấp dẫn thí sinh

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 sử dụng các phương thức xét tuyển: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng, sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT.

Theo những thông tin từ PGS.TS Phùng Gia Thế – Trưởng phòng Đào tạo – cung cấp thông tin cho báo chí: Năm nay, chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT chiếm tỷ lệ từ 12-15% tùy theo từng ngành đào tạo.

Có hai ngành là Giáo dục thể chất và Giáo dục mầm non được nhà trường tổ chức thi năng khiếu. Ngành Giáo dục thể chất còn công nhận kết quả môn thi năng khiếu ngành Giáo dục thể chất của 17 trường tổ chức thi năm 2018.

Năm nay trường có thêm hai mã ngành mới là Sư phạm công nghệ và Thông tin thư viện; Ngành Thông tin thư viện, thực chất là ngành cũ có tên Khoa học thư viện nay đổi tên.

Với ngành mới Sư phạm công nghệ, năm nay nhà trường tuyển 60 chỉ tiêu ở 4 tổ hợp xét tuyển. PGS.TS Phùng Gia Thế cho biết: Cùng với Toán và Tin học, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông – xu hướng giáo dục được coi trọng tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì môn Công nghệ ở trường phổ thông lại càng đóng vai trò quan trọng.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Công nghệ là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Công nghệ là môn học dành cho các học sinh có xu hướng lựa chọn ngành học thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên cho môn Công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã bổ sung ngành đào tạo Sư phạm công nghệ vào Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, ban hành theo thông tư 24/2017/TT-BGDĐT.

Được sự đồng ý của Bộ, từ năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Theo học ngành sư phạm Công nghệ, sinh viên tốt nghiệp ngoài việc giảng dạy bộ môn Công nghệ ở trường phổ thông còn có khả năng đảm nhiệm các công việc tương tự ở các trường đào tạo nghề, trung cấp, cao đẳng nghề. Trong những năm tới, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên Công nghệ sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao.

PGS.TS Nguyễn Quang Huy – Hiệu trưởng – phân tích thêm: Nhu cầu giáo viên môn Công nghệ khi ngành giáo dục triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới là có nhu cầu lớn. Do vậy nếu không có sự chuẩn bị đào tạo đội ngũ ngay từ năm nay là không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các địa phương.

Truyền thống lâu đời đào tạo giáo viên

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với bề dày lịch sử đào tạo giáo viên cho các tỉnh vùng Trung – Bắc; Là trường hạt nhân trong các trường sư phạm, trường có mã ngành đào tạo giáo viên các tỉnh trong vùng Trung – Bắc.

Truyền thống, thế mạnh đào tạo sư phạm của trường gắn với thực tiễn giáo dục mầm non, phổ thông và nay hướng đến mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông;

Do vậy nhà trường chú trọng trang bị cho sinh viên sư phạm những kỹ năng mềm, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, bổ sung linh hoạt những tín chỉ kỹ năng thực nghiệp; kết nối chặt chẽ với các trường phổ thông trong vùng. Hàng năm sinh viên tốt nghiệp ra trường có tỷ lệ cao vì nhà trường trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng thích ứng với nhiều ngành, nghề.

Sinh viên nhà trường với nhiều hoạt động nghiên cứu, học tập kỹ năng thích ứng với nhiều ngành, nghề.

Đơn cử như PGS.TS Nguyễn Quang Huy nêu ví dụ: Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, chỉ tiêu tuyển sinh năm nào của trường cũng nhiều nhưng đều được các công ty đón nhận ngay thời điểm cuối khóa;

Hoặc như sinh viên học Ngành Việt Nam học, ngành Văn học có việc làm ngay vì có lợi thế kỹ năng ngôn ngữ. Với ngành Toán, trường có lớp chất lượng cao, khi ra trường sinh viên có thể dạy toán, hoặc chọn nghề toán ứng dụng như thị trường chứng khoán, hoặc nghiên cứu.

Nhiều cơ chế đãi ngộ, chính sách ưu tiên

Trước dư luận lo ngại về chất lượng đầu vào, PGS.TS Phùng Gia Thế khẳng định: nhiều năm trước, trường đều tuân thủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ, chỉ năm ngoái mặc dù không theo ngưỡng chung nhưng nhà trường vẫn đặt ra những chỉ số phụ để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và tuyển đủ chỉ tiêu với ngưỡng xét tuyển đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhiều ngành đào tạo giáo viên mũi nhọn của trường còn có ngưỡng xét tuyển đầu vào cao hơn ngưỡng xét tuyển đầu vào năm 2016.

Về chính sách ưu tiên, năm nay, trường tuyển thẳng thí sinh là học sinh Trường THPT chuyên nếu đáp ứng điều kiện 3 năm đạt học lực loại giỏi hoặc đạt danh hiệu HSG Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh trở lên.

Với thí sinh dựa vào kết quả học tập THPT để xét tuyển thì với thí sinh là học sinh trường THPT Chuyên được cộng 1 điểm. Đối với thí sinh diện tuyển thẳng được hưởng học bổng 600.000đ/tháng trong sáu tháng.

Ngoài ra còn có những ưu đãi khác như sinh viên được chọn trao học bổng vào đầu tháng của mỗi ngành đào tạo trị giá từ 1 – 3 triệu, chọn sinh viên đi nước ngoài hay chọn sinh viên vào lớp chất lượng cao…

Thí sinh có thể truy cập vào trang thông tin chính thức Tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018 của nhà trường tại địa chỉ: http://tuyensinh.hpu2.edu.vn.

Hoặc có thể gọi đến số điện thoại giải đáp thông tin tuyển sinh: 02113.863.203 để được giải đáp 24/7. Hòm thư điện tử giải đáp thông tin: [email protected] hoặc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ online từ bộ phận hỗ trợ trực tuyến tuyển sinh bằng tin nhắn Messenger trên trang này.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lưu ý đối với thí sinh về phương thức và điều kiện xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2018:1. Xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018

– Đối với các ngành sư phạm (ngành đào tạo giáo viên):

+ Thí sinh tốt nghiệp THPT;

+ Hạnh kiểm cả 3 năm lớp 10, 11, 12 xếp loại khá trở lên, KHÔNG YÊU CẦU PHẢI CÓ HỌC LỰC LỚP 12 XẾP LOẠI GIỎI.

– Đối với các ngành ngoài sư phạm: Thí sinh tốt nghiệp THPT.

2. Xét tuyển dựa theo kết quả học tập lớp 12 (xét học bạ)

– Đối với các ngành sư phạm (trừ ngành Giáo dục Thể chất):

+ Thí sinh tốt nghiệp THPT;

+ Hạnh kiểm cả 3 năm lớp 10, 11, 12 xếp loại khá trở lên;

+ Học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

– Đối với ngành Giáo dục Thể chất:

+ Thí sinh tốt nghiệp THPT;

+ Hạnh kiểm cả 3 năm lớp 10, 11, 12 xếp loại khá trở lên;

+ Học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

– Đối với các ngành ngoài sư phạm: Thí sinh tốt nghiệp THPT (có điểm trung bình các môn học trong tổ hợp môn xét tuyển ở lớp 12 đạt từ 5,0 điểm trở lên).

Lưu ý: Thí sinh ĐKXT dưa theo kết quả học tập lớp 12 ĐKXT theo mẫu riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (tại địa chỉ http://tuyensinh.hpu2.edu.vn), không phải ghi trong phiếu đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

3. Tuyển thẳng:

Các đối tượng được tham gia đăng ký tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển: Xem trên Đề án tuyển sinh đại học năm 2018 của Nhà trường tại địa chỉ: http://tuyensinh.hpu2.edu.vn

* Lưu ý:

– Thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất phải đăng ký dự thi môn năng khiếu;

– Các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp;

– Ngành Giáo dục thể chất chỉ tuyển thí sinh thể hình cân đối: nam cao tối thiểu 1,65m nặng 45kg trở lên, nữ cao tối thiểu 1,55m nặng 40kg trở lên (Nhà trường không tổ chức sơ tuyển, thí sinh không đạt các yêu cầu về thể hình nếu trúng tuyển sẽ bị loại khi nhập học).

Theo Giaoducthoidai