Nhiều trường đại học, cao đẳng “mỏi cổ” ngóng thí sinh nhập học

0
5459

Đã qua thời hạn thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 làm thủ tục xác nhận nhập học, nhưng đến nay nhiều trường đại học vẫn trong tình trạng “ngóng” thí sinh.

Không ít trường phải lên kế hoạch tuyển nguyện vọng bổ sung, chỉ mong tuyển đủ sinh viên để duy trì hoạt động giảng dạy.

“Mong mỏi mắt” vẫn không tuyển được sinh viên nào

Giống như năm 2017, “điểm nóng” của mùa tuyển sinh năm 2018 vẫn là các trường sư phạm. Nhiều trường cao đẳng sư phạm lâm vào cảnh “tồn tại như không tồn tại” vì không tuyển được sinh viên.

Năm ngoái, không ít trường sư phạm hạ điểm chuẩn , ở mức 10 điểm/3 môn, nhưng thí sinh vẫn không mặn mà. Năm nay, các trường sư phạm ở địa phương tiếp tục lâm cảnh khó khăn, khi hôm nay là hạn cuối cùng thí sinh xác nhận nguyện vọng học tại trường, nhưng không ít trường có ngành chưa tuyển được thí sinh nào.

Theo thống kê của Trường Đại học Đồng Nai, đến ngày 11.8 vẫn còn 640 thí sinh trúng tuyển vào trường chưa xác nhận nhập học. Đến 17h ngày 12.8, nếu thí sinh này vẫn chưa nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2018 về trường, các em sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.

Cũng theo công bố kết quả tuyển sinh đợt 1 của Trường Đại học Đồng Nai, có 2 ngành bậc Đại học (Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý) và 4 ngành bậc cao đẳng đào tạo sư phạm không có thí sinh nào trúng tuyển.

Nhiều ngành khác của trường dù chỉ lấy chỉ tiêu 20 thí sinh nhưng số người trúng tuyển chưa được một nửa.

Nhiều trường đại học, cao đẳng mỏi cổ ngóng thí sinh nhập học - Ảnh 1.

Đại học Đồng Nai có nhiều ngành không tuyển được thí sinh nào.

Tương tự, Trường Đại học Tây Nguyên cũng có nhiều ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu, trường vẫn đang mong những thí sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học.

Trường đại học tuyển sinh còn “èo uột”, các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương càng lâm vào thế khó.

Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, năm 2018 chỉ tuyển sinh 3 ngành, nhưng đến nay ngành Sư phạm tin học không có thí sinh trúng tuyển, Sư phạm tiếng Anh chỉ tuyển được 10 thí sinh.

Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk hiện có nhiều ngành mới chỉ tuyển được từ 1-3 sinh viên. Với tình hình tuyển mãi không được sinh viên, nhiều trường đại học, cao đẳng ở địa phương đang lâm vào khó khăn, thiếu kinh phí để trả lương đội ngũ giảng viên và duy trì các hoạt động giảng dạy.

Hạ điểm chuẩn chạm sàn để “vét” thí sinh

Cùng với việc nhiều trường đại học có các ngành không tuyển được thí sinh nào, năm nay cũng diễn ra tình trạng không ít trường hạ điểm chuẩn xuống rất thấp để mong tuyển đủ thí sinh.

Hàng loạt trường có điểm trúng tuyển ở mức 13-14 như Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Đại học Kinh tế, Đại học Nông Lâm (Đại học Huế)… Những ngày qua dư luận đã có nhiều tranh cãi về việc lấy điểm chuẩn thấp có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đầu ra của trường?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) – thừa nhận năm nay có nhiều trường lấy điểm tiếp nhận hồ sơ là 13.

Tuy nhiên ông Anh Tuấn cảnh báo: “Khả năng do số lượng thí sinh đăng ký vào ngành ít, nên các trường lấy điểm chuẩn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng về nguyên tắc điểm chuẩn không thấp hơn điểm sàn mà các trường đã công bố trước đó. Nếu phát hiện trường nào hạ điểm chuẩn xuống dưới điểm sàn để tuyển sinh bằng mọi giá, Bộ GDĐT sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm.”

Theo Kênh 14