Nhiều trường đại học lấy điểm sàn thấp, điều gì xảy ra?

0
1167

Dù có lấy điểm sàn thấp đến đâu, những trường đại học có mức xét tuyển thấp cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu, bởi vấn đề không nằm ở chỗ điểm sàn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít.

Nhiều trường đại học lấy điểm sàn thấp, điều gì xảy ra? - Ảnh 1.

TS Phạm Thu Hương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương – tư vấn cho thí sinh và phụ huynh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH phải công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) của phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia 2019 trước ngày 22-7.

Việc một số trường điều chỉnh lại – nâng lên mức điểm sàn xét tuyển vừa vi phạm quy định phải công bố trước ngày 22-7 vừa đẩy một số thí sinh vào thế “việt vị” nếu đã điều chỉnh nguyện vọng trước khi trường công bố lại mức điểm sàn xét tuyển mới.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

Điểm thi tăng, điểm sàn giảm

Điểm từng môn thi năm 2019 tăng, điểm trung bình của các tổ hợp ba môn xét tuyển truyền thống cũng tăng so với năm 2018 (ngoại trừ khối C và D tăng ít, các khối xét tuyển khác tăng từ 1,5 đến 2,1 điểm).

Trên thực tế đó, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố mức điểm sàn tăng cao hơn năm 2018 với phần lớn ở mức 15-19 điểm, cá biệt có một số ngành lên đến 21 điểm. Ngay cả khối ngành sư phạm đào tạo giáo viên có mức điểm sàn chung do Bộ GD-ĐT quy định cũng tăng lên 1 điểm (18 điểm so với 17 điểm ở năm 2018).

Tuy nhiên, vẫn có một số trường – không chỉ là các trường ĐH tư thục mà ngay cả một số trường ĐH công lập – công bố mức điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức 12-13 điểm. Mức điểm này thậm chí còn thấp hơn điểm sàn của chính trường đó ở năm 2018 trong khi điểm thi năm 2019 tăng cao hơn.

Do đó, có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ GD-ĐT có cần thiết phải can thiệp để ngăn việc tự đặt mức điểm sàn xét tuyển thấp của các trường.

Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã quy định thí sinh muốn xét tuyển bằng phương thức điểm thi THPT quốc gia phải đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự thi. Số liệu những năm qua cho thấy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành chênh lệch nhau rất nhiều.

Những trường ĐH tốp trên, những ngành hấp dẫn thu hút một lượng lớn cả chục ngàn thí sinh. Trong khi nhiều trường ĐH chỉ có một vài trăm thí sinh đăng ký xét tuyển, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Sau khi biết điểm thi, thí sinh lại có thể điều chỉnh, thay đổi hoặc bổ sung nguyện vọng đã đăng ký, nhưng thực tế cho thấy việc điều chỉnh nguyện vọng cũng chỉ xoay quanh các trường tốp trên.

Hơn nữa, từ năm 2018 Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH không được công bố số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Do đó cơ sở chủ yếu để các trường xác định mức điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường từ thời điểm 20-4-2019.

Các trường phải công bố mức điểm sàn xét tuyển trước ngày 22-7. Do vậy không biết số thí sinh “còn lại” của mình là bao nhiêu sau khi kết thúc điều chỉnh nguyện vọng ngày 31-7-2019 và hơn thế nữa lại càng không biết điểm thi của thí sinh.

Do đó việc ấn định mức điểm sàn xét tuyển của nhiều trường thấp có lẽ chủ yếu là căn cứ trên số lượng thí sinh ít ỏi của trường đã đăng ký xét tuyển trước đó trong đợt 1 – ngày 20-4-2019.

Điểm sàn thấp thì sao?

Trong kỳ tuyển sinh 2019 năm nay, các trường ĐH áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. Đối tượng của phương thức tuyển thẳng được quy định rất rõ trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (xem như là có quy định sàn xét tuyển!). Trong đó phần lớn là các học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.

Phương thức xét tuyển bằng học bạ cũng được quy định chung với mức điểm sàn là từ 6,0 trở lên cho từng môn học trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình chung các môn học dùng để xét tuyển.

Riêng với các khối ngành đặc thù (sư phạm và khoa học sức khỏe có cấp giấy chứng nhận hành nghề, Bộ GD-ĐT cũng quy định mức điểm sàn xét tuyển chung: mức điểm sàn xét tuyển đã được công bố cho năm 2019 là 18 điểm cho khối ngành sư phạm, 21 điểm cho ngành y đa khoa và răng – hàm – mặt, 20 điểm cho ngành dược…).

Đối với các phương thức xét tuyển khác, Bộ GD-ĐT không đưa ra quy định cụ thể về mức điểm sàn xét tuyển. Theo lộ trình đã được công bố từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã giao các trường ĐH tự quy định mức điểm sàn xét tuyển của trường theo điểm thi THPT quốc gia từ năm 2018.

Chính vì vậy có một số trường khi xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã lấy điểm trúng tuyển đến 400 điểm (điểm trung bình của kỳ thi là 600 điểm). Về mặt pháp lý, ấn định điểm sàn xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia là bao nhiêu hoàn toàn do trường ĐH quyết định.

Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy trước rằng dù có lấy điểm sàn xét tuyển thấp đến bao nhiêu đi nữa thì chắc chắn những trường có mức xét tuyển thấp cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Bởi vấn đề không nằm ở chỗ điểm sàn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít.

Giả sử các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM có đặt mức điểm sàn xét tuyển là 10 điểm đi chăng nữa thì chắc chắn điểm chuẩn trúng tuyển vẫn vượt xa mức điểm sàn này do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất lớn và số thí sinh có điểm thi cao cũng rất nhiều.

Hơn nữa, đây cũng chỉ mới là mức điểm sàn xét tuyển, có thể điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cao hơn khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi điều chỉnh nguyện vọng nhiều lên. Và cũng trên thực tế các thí sinh có mức điểm thấp sẽ chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT vốn dễ dàng hơn nhiều.

Vấn đề nảy sinh, nếu có, đó là khi điểm trúng tuyển giả sử cũng bằng điểm sàn thấp này và thí sinh này cũng không đạt quy định nếu xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông.

Khó khăn cho chủ trương phân luồng

Vấn đề lớn hơn khi các trường đưa ra mức điểm sàn xét tuyển thấp và dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển thấp là gây khó khăn cho chủ trương phân luồng sau THPT. Theo quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ CĐ và đến năm 2025 tỉ lệ này phải lên đến 45%. Như vậy, chính các trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tiếp theo đó là các trường trung cấp sẽ là nạn nhân trực tiếp của việc xét trúng tuyển ở mức điểm quá thấp ở một số trường ĐH.