Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới

0
927

 Năm nay, Đại học Dược Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội đều dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2021. Còn các  trường như Đại học Thành Đô mở thêm Luật và Luật kinh tế còn Đại học Thăng Long bổ sung ngành Quản trị khách sạn và Thanh nhạc.

Đại học Dược Hà Nội dự kiến tuyển sinh 950 chỉ tiêu (nhiều hơn 190 chỉ tiêu so với năm 2021) cho 4 ngành, trong đó ngành Dược học, Hóa dược và Hóa học tuyển sinh theo khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) ngành Công nghệ sinh học.

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức là: Xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế và tuyển thẳng thí sinh có SAT hoặc ACT, Xét tuyển đối với học sinh giỏi các lớp chuyên của Trường THPT năng khiếu/chuyên cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố, xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trường bổ sung thêm 1 phương thức xét tuyển mới là xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trường Đại học Thăng Long vừa công bố 23 ngành tuyển sinh của năm nay. Năm 2022, trường không còn tuyển ngành Dinh dưỡng (nhóm Khoa học sức khỏe) nhưng có hai ngành Quản trị khách sạn (nhóm Kinh tế – Quản lý) và Thanh nhạc (nhóm Năng khiếu).

Năm nay, tổng chỉ tiêu của trường là 3.130. Trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh.

Cụ thể:

Thứ nhất, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và thi tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, tiếng Anh). Thí sinh cần đạt tối thiểu IELTS 5.5 (hoặc TOEFL iBT 51-60, TOEFL ITP 464-499) để quy đổi 8,5 điểm môn tiếng Anh trong hai tổ hợp xét tuyển. Trừ Thanh nhạc và Điều dưỡng không tuyển, các ngành còn lại đều dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này.

Thứ hai, Đại học Thăng Long xét tuyển kết hợp học bạ và thi năng khiếu để tuyển sinh viên ngành Thanh nhạc. Thí sinh phải đạt điểm trung bình môn Văn trong ba năm THPT tối thiểu 5, hạnh kiểm lớp 12 không dưới khá.

Bài thi năng khiếu gồm hai phần: hát và thẩm âm, tiết tấu. Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn năng khiếu.

Phương thức ba là xét tuyển học bạ, chỉ áp dụng để tuyển ngành Điều dưỡng. Trường yêu cầu thí sinh đạt điểm trung bình ba môn Toán, Hóa, Sinh bậc THPT từ 6,5 trở lên, trong đó không môn nào dưới 5; hạnh kiểm lớp 12 tối thiểu đạt loại khá.

Bốn là xét tuyển dựa vào điểm học bạ môn Toán, áp dụng cho các ngành nhóm Toán – Tin học và Kinh tế – Quản lý. Thí sinh cần đạt điểm trung bình môn Toán bậc THPT từ 8 trở lên, yêu cầu về hạnh kiểm tương đương phương thức hai và ba.

Những phương thức còn lại gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên thành tích về nghệ thuật, thể thao. Trừ Thanh nhạc và Điều dưỡng, các ngành còn lại đều sử dụng các phương thức này.

Năm nay, trường Đại học Thành Đô tuyển 1.370 sinh viên cho 12 ngành trong năm 2022, trong đó có hai ngành mới là Luật và Luật kinh tế, mỗi ngành 100 chỉ tiêu.

Năm 2022, Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển 2.365 sinh viên, tăng hơn 300 so với năm ngoái; điểm sàn giữ nguyên ba mức: 15, 18 và 20. Trong đó ngành Luật tuyển nhiều nhất – 1.410 chỉ tiêu, ngành Luật kinh tế 450, Luật Thương mại quốc tế 205 và Ngôn ngữ Anh 200. Trừ ngành Luật giữ nguyên mức tuyển như năm ngoái, các ngành còn lại đều tăng 80 – 100 chỉ tiêu.

Trường tuyển sinh theo hai phương thức chính: tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng. Trong tuyển sinh riêng, Đại học Luật Hà Nội tiếp tục chia ra bốn phương thức.

Thứ nhất, trường dành 48 chỉ tiêu để xét tuyển các thí sinh tham dự vòng thi tháng, quý, năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia kết hợp cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thời gian xét tuyển dự kiến là tháng 8-12/2022.

Thứ hai, xét học bạ. Trường dành 50% chỉ tiêu của từng ngành cho phương thức này. Để nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải loại giỏi năm kỳ học (trừ kỳ II lớp 12), trong đó kết quả các môn trong tổ hợp xét tuyển ở kỳ I lớp 12 tối thiểu 7,5 (đối với trụ sở chính Hà Nội) và 7 (phân hiệu tại Đắk Lắk).

Năm nay, các tiêu chí về giải thưởng học sinh giỏi, là học sinh trường THPT chuyên không còn là điều kiện chính thức để nộp hồ sơ như năm 2021. Thay vào đó, nếu đạt các thành tích này, các em được cộng 0,5-1,5 điểm khuyến khích. Ngoài ra, khi có chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cũng được quy đổi điểm để thay cho điểm môn ngoại ngữ trong học bạ.

Với phương thức xét học bạ này, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng trên một tổ hợp duy nhất.

Thứ ba, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tại trụ sở chính Hà Nội của tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là 20, các tổ hợp còn lại là 18. Riêng với hai ngành Luật Thương mại quốc tế, Ngôn ngữ Anh, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không dưới 7. Tại phân hiệu Đắk Lăk, điểm sàn là 15, áp dụng cho mọi tổ hợp.

Điểm khuyến khích cho phương thức này được áp dụng tương tự (cả về tiêu chí và mức điểm cộng) với xét học bạ.

Thứ tư, với thí sinh đăng ký vào chương trình liên kết với Đại học Arizona (Mỹ), Đại học Luật Hà Nội xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tối thiểu 5.5 IELTS hoặc tương đương. Thời gian xét tuyển dự kiến 4-12/2022.

Trường Thành Đô chỉ sử dụng hai phương thức tuyển sinh là xét học bạ và căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nếu nộp học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình ba kỳ (lớp 11 và kỳ I lớp 12) hoặc cả năm lớp 12 của ba môn theo tổ hợp từ 18 trở lên (đã gồm điểm ưu tiên).

Thời gian nhận hồ sơ từ 18/2 đến 28/4, dự kiến nhập học đầu tháng 5.

Theo Báo Tiền Phong