Chính sách mới của Bộ GD&ĐT sẽ thu học phí đối với sinh viên sư phạm, không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS trường công lập…
Bộ GD&ĐT khẳng định việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng trên 50% sinh viên ngành sư phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những sinh viên này có thực sự phù hợp và liệu có thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào ngành sư phạm hay không?
Chọn sư phạm vì được miễn học phí
Thực tế đã có một số lượng không nhỏ sinh viên chọn ngành sư phạm chỉ vì chính sách miễn học phí. Khảo sát cho thấy, tại Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, 36,54% sinh viên năm thứ nhất chọn học tại trường vì lý do “miễn học phí”. Như vậy, tác động của giáo dục hướng nghiệp và hiệu quả của nó đã bị chi phối nhiều bởi yếu tố học phí.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 13,7% sinh viên khẳng định gia đình của họ có khả năng đóng tiền học phí, 18,8% khẳng định bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22,1% sinh viên khẳng định vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí. Vì thế, không đủ luận cứ để khẳng định rằng sinh viên sư phạm có hoàn cảnh khó khăn sẽ bỏ học nếu chính sách này không còn tồn tại.
Một tác động tiêu cực dẫn đến từ chính sách này trong thực tiễn khi đặt vào trong bối cảnh là không quản lý được sinh viên hưởng chính sách miễn học phí.
Theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, sinh viên phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo. Theo quy định pháp luật hiện hành, các đối tượng nếu không thực hiện cam kết phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng góp học phí trong thời gian học tại trường.
Tuy nhiên, thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng cam kết hay không.
“Tất cả biểu hiện này là sự thiếu cân bằng và cần được điều chỉnh. Không thể phủ nhận, có một lực lượng không nhỏ sinh viên Sư phạm sau khi tốt nghiệp đã chuyển sang làm ngành nghề, lĩnh vực khác. Điều này dẫn tới sự phí phạm ngân sách nhà nước đầu tư cho những sinh viên này và tạo ra sự bất công bằng so với những sinh viên của các ngành nghề khác ở một mức độ nhất định” – Bộ GD&ĐT khẳng định.
Cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng
Tại Dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT đề xuất thay chính sách miễn học phí bằng chính sách cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng.
Cụ thể, sinh viên sư phạm lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội, các khoản vay tín dụng bao gồm: Học phí (Mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học); Sinh hoạt phí (định mức: 3-3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học).
Sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí. Nếu trong vòng 2 năm sau khi ra trường, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí trong vòng 3 năm tiếp theo.
Sinh viên ra trường có làm trong ngành sư phạm, tuy nhiên thời gian công tác trong ngành chưa đủ 5 năm cũng sẽ phải hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí.
Miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020. Tuy nhiên, đến nay nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với cấp giáo dục tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em học mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí.
Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là một gánh nặng đối với gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.
Mặt khác, hiện nay còn rất nhiều trẻ mầm non, học sinh phổ thông học tại các trường ngoài công lập, học phí cao, đặc biệt là con của công nhân ở khu công nghiệp, đây là một gánh nặng đối với gia đình cán bộ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, và rất cần sự hỗ trợ về chính sách học phí của nhà nước, để giảm bớt khó khăn cho gia đình công nhân, đồng thời bảo đảm công bằng giữa trường công lập và trường ngoài công lập.
Số liệu của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy nếu thực hiện không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi thì tổng ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 698 tỷ đồng. Hỗ trợ đóng học phí cho trẻ 5 tuổi tại cơ sở mẫu giáo ngoài công lập 680 tỷ. Học sinh tiểu học tại cơ sở giáo dục công lập đã được miễn học phí nên không làm tăng chi ngân sách. Hỗ trợ đóng học phí cho học sinh tiểu học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập là 855 tỷ.
Còn với bậc THCS, tổng ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 2.143 tỷ đồng. Hỗ trợ đóng học phí cho học sinh THCS ngoài công lập là 352 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ chính sách không thu học phí trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS diện phổ cập trường công lập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỷ đồng.
Tại Dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT đề xuất thay chính sách miễn học phí bằng chính sách cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng. Cụ thể, sinh viên sư phạm lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, các khoản vay tín dụng bao gồm: Học phí (mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học); Sinh hoạt phí (định mức: 3-3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học).