Hộ khẩu thường trú ở một nơi, học phổ thông ở nơi khác thì điểm ưu tiên khu vực được tính như thế nào?
Hộ khẩu thường trú của em hiện đang ở Hà Nội nhưng từ năm lên lớp 10 em đã chuyển vào học tại Trường THPT Trần Phú (Đà Lạt) và có sổ tạm trú 3 năm tại đây. Vậy em có được cộng điểm ưu tiên của Đà Lạt không và mức điểm cộng bao nhiêu ạ? ([email protected])
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Theo quy chế, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT ở khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Trường hợp này thí sinh học liên tục 3 năm và tốt nghiệp THPT tại Đà Lạt nên sẽ hưởng ưu tiên khu vực tại đây và được cộng 0,75 điểm.
Em là con người dân tộc thiểu số (đối tượng 01) và ở khu vực 1, vậy điểm ưu tiên em được hưởng là 3,5 điểm đúng không ạ? ([email protected])
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Theo quy chế hiện hành, thí sinh thuộc đối tượng dân tộc thiểu số và sinh sống tại khu vực 1 sẽ được hưởng ưu tiên đối tượng 01, cộng 2 điểm. Còn chính sách ưu tiên theo khu vực năm nay được điều chỉnh giảm mức điểm, trong đó khu vực 1 chỉ được hưởng 0,75 điểm (thay vì 1,5 điểm như trước đây).
Như vậy, trong trường hợp này thí sinh được cộng 2,75 điểm tính cả đối tượng và khu vực. Tuy nhiên thí sinh lưu ý, nếu người dân tộc thiểu số mà sinh sống của các khu vực khác ngoài khu vực 1, thí sinh chỉ được hưởng ưu tiên đối tượng 06 (cộng 1 điểm).
Con tôi bị khiếm thính (điếc độ 4). Cháu có giấy xác nhận khuyết tật do Hội đồng giám định cấp với mức độ khuyết tật ghi trên giấy xác nhận là “nhẹ”. Vâỵ con tôi có thuộc đối tượng ưu tiên trong quy chế tuyển sinh ở “Điều 7-nhóm ưu tiên 2-đối tượng 07” không, nếu có được cộng mấy điểm? ([email protected]).
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Theo điều 7 về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của quy chế, thí sinh được hưởng ưu tiên đối tượng 07 là người khuyết tật nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thầm quyền cấp theo quy định.
Trường hợp này thí sinh có giấy xác nhận khuyết tật “nhẹ” nên không thuộc đối tượng ưu tiên này.