Ôn thi THPT quốc gia: Không còn ‘cày’ thuộc lòng

0
4056

Kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra, nhưng không khí ôn tập ở các trường năm nay khá nhẹ nhàng. Nhiều giáo viên khẳng định giai đoạn này hoàn toàn không dạy thêm kiến thức mới để học sinh không bị áp lực.

Ôn tập nhẹ nhàng
Nếu thời điểm này những năm trước hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đều huy động hết các nguồn lực để hỗ trợ học sinh (HS) ôn thi thì năm nay không khí ôn tập lại khá nhẹ nhàng.
Ông Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức (Q.Bình Thạnh), cho hay: “Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa và ấn định lịch thi, trường đã lên kế hoạch để HS ôn tập ngay. Theo chủ trương, HS học tới đâu sẽ nắm chắc ngay kiến thức tới đó. Tới thời điểm này, hầu hết HS đã hoàn thành kiến thức và bước vào giai đoạn cô đọng hệ thống lại kiến thức chứ không học thêm”.
Ông Tâm cho biết thêm: “Trường chỉ tổ chức ôn thi cho tới ngày 17.6. Sau ngày này HS vẫn có thể lên lớp để kết nhóm tự ôn nhưng nhà trường không tổ chức dạy nữa. Mục đích là để HS có một khoảng thời gian lấy lại tinh thần và dưỡng sức chuẩn bị bước vào kỳ thi”.
Theo ông Tâm, mặc dù năm nay số môn thi có nhiều hơn so với mọi năm nhưng không khí ôn bài khá nhẹ nhàng, không còn tình trạng “tụng kinh” học thuộc lòng ở các môn xã hội.
Tương tự, tới hết thứ năm tuần này Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cũng kết thúc chương trình ôn tập tại trường để HS tự ôn. Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Do đã có định hướng từ đầu nên giáo viên, HS đã kịp bắt nhịp với hình thức thi trắc nghiệm. Thời gian này HS chủ yếu học cách hệ thống lại kiến thức để sử dụng khi đi thi”.
Ông Nguyễn Viết Đăng Du, Trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết tới ngày 16.6 trường cũng sẽ kết thúc việc ôn tại trường cho HS. Trước nay, một trong những nỗi ám ảnh HS khi ôn thi môn lịch sử chính là việc nhớ số liệu. Tuy nhiên, chiếu theo đề thi mẫu mà Bộ công bố thì HS có thể trút bớt gánh nặng. “Theo đó, thay vì học thuộc lòng thì HS chỉ cần dựa vào kiến thức nền để sắp xếp sự kiện lịch sử theo trình tự trước – sau. Để làm được như vậy, HS chỉ cần đọc lướt là có thể nhớ chứ không cần “cày” quá nhiều. Trong những giờ ôn tập, chúng tôi khuyến khích HS sưu tầm câu hỏi, đề thi trắc nghiệm từ các nguồn đáng tin cậy để làm quen với hình thức thi này. Không khí ôn tập trong những ngày này không hề áp lực”, ông Du cho biết.
“Live stream” ôn thi
Một số thầy cô còn tận dụng lợi ích của mạng xã hội để chia sẻ bài giảng giúp HS tiếp nhận kiến thức một cách chủ động.
Hiện nay trên Facebook của giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân, có chia sẻ lộ trình ôn tập 10 ngày cuối với chủ đề “Học văn khôn ngoan mà không gian nan”. Theo đó, mỗi buổi tối, thầy Đức Anh dành một giờ để phát trực tiếp video (live stream) các bài giảng gắn liền với các tác phẩm văn học trong chương trình. “Ai có thắc mắc thì để lại lời nhắn dưới bức hình để thầy giải đáp nhé. 21 giờ 30 – 22 giờ 30 mỗi đêm, đón xem để cùng ôn tập, cùng giải mã bí mật trong 4 câu hỏi đọc hiểu, chiến thuật “chém gió” nghị luận xã hội, bí kíp để không bị “lạc trôi” nghị luận văn học”, là những lời nhắn mà giáo viên này để trên Facebook.
Ông Đỗ Đức Anh cho rằng hình thức ôn tập này giúp thầy trò có thể tự nhiên hơn, gần gũi và trò dễ tiếp thu bài. Ngoài ra có sự tương tác trực tiếp, HS có thể vừa nghe vừa đặt câu hỏi để giáo viên trả lời tức thời.
Ngoài những giờ ôn tập trung trên lớp, trực tiếp giải đáp những thắc mắc của HS, ông Nguyễn Phạm Phúc, Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), cho biết sẽ tạo nhóm trên Facebook để ôn thi.
Thanh niên