Ôn thi Văn có 2 tháng cũng giành 9.25 điểm, sĩ tử nào muốn học hỏi thì xem nay tips của cô nữ sinh trường Chuyên Phan Bội Châu này

0
2069

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cô bạn Nguyễn Lê Khánh Chi (hiện đang là sinh viên trường Kinh tế quốc dân) đạt 9,25 điểm môn Ngữ văn dù chỉ tập trung vào học môn này trong 2 tháng cuối.

Ngữ Văn là một trong 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Với khối lượng kiến thức lớn, đây là một trong những môn khiến nhiều bạn học sinh cuối cấp lo lắng nhất. Tuy nhiên, nếu trong những ngày cuối các sĩ tử ôn khéo léo thì có thể nâng điểm nhanh hơn rất nhiều so với tăng số lượng câu trắc nghiệm ở các môn khác. Như cách nữ sinh Nguyễn Lê Khánh Chi (cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu) chia sẻ cách cô bạn đạt 9,25 điểm Văn sau khi ôn môn này cấp tốc trong 2 tháng. Theo đánh giá của cộng đồng mạng, cách của Khánh Chi không những hữu hiệu mà còn dễ áp dụng trong thời gian ôn thi cuối cùng này.

Nữ sinh Khánh Chi hi vọng những tips thi Ngữ Văn đạt điểm cao của mình có thể giúp ích cho các sĩ tử lớp 12 thi đại học thành công. Ảnh: Nguyễn Lê Khánh Chi.

Về kiến thức
– Kiến thức Tiếng Việt là điều không thể thiếu, đặc biệt cho những bạn chỉ mục đích qua điểm liệt hoặc tốt nghiệp. Còn với những bạn mục tiêu điểm cao thì điểm Tiếng Việt phải tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối. Những thứ cơ bản như tác giả, tác phẩm và những câu Tiếng Việt quen thuộc (tìm ở các đề thi thử hoặc đề các năm trước) rất rất dễ. Còn vài ngày nữa, nhớ mỗi ngày lấy vài đề Tiếng Việt ra làm cho quen tay nhé.

– Đọc báo và note những dẫn chứng dạo này đang hot để cho vào bài Nghị luận xã hội.

– Đọc văn bản, đôi khi không nhớ ý thì trích một vài đoạn gì đấy trong văn bản cho đoạn văn dài hơn. Nhiều bạn chỉ học để thi tốt nghiệp với kiến thức nhớ tác giả, tác phẩm và làm thêm chút phần Tiếng Việt có thể đủ điểm dễ dàng.

– Ôn lại những đề mà bản thân cảm thấy không chắc chắn. Bởi vì khả năng cao mình càng ghét đề nào càng dễ ra đề đấy. Nhớ vẽ cả sơ đồ ra cho dễ nhớ nhé!

– Lý luận văn học: Học nhiều cũng chẳng nhớ nên những ngày cuối hãy bắt đầu đọc mấy vấn đề hay ra rồi cố nhớ.

Về kĩ năng
– Mở bài và kết bài: Với bài Nghị luận xã hội thì thử viết vài dạng quen thuộc xong đi thi thì thay vấn đề vào thôi. Nhiều bạn thường bắt đầu bằng một câu nói rồi từ đó đề nào cũng “chém” được. Kết bài thì chỉ cần diễn giải đề bài nhưng phải viết theo cách khác để không bị trùng lặp. Nhưng tuyệt đối không được quên kết bài dù có hết giờ đi chăng nữa. Còn với bài Nghị luận văn học, đừng cố “hoa lá màu mè” gì, cứ tác giả tác phẩm rồi đi luôn vào vấn đề. Cơ bản nhưng trọn điểm.

– Bài Tiếng Việt: Sử dụng gạch đầu dòng thay vì đoạn văn. Vì như vậy vừa rõ ràng, dễ hiểu, giám khảo dễ nắm được ý còn giúp bạn viết nhanh hơn nữa.

– Về bài Nghị luận xã hội: Đừng tốn thời gian quá vào bài này. DÀNH TỐI ĐA 15 PHÚT cho bài Nghị luận xã hội và tối đa 1 trang hơn giấy thi. Viết dài quá bị trừ điểm và cũng tốn sức không đủ thời gian cho các bài tiếp theo.

– Bài Nghị luận văn học: Hai điều không thể thiếu cho những bạn muốn điểm cao hơn là phải có đoạn khái quát chung sau mở bài và đoạn đánh giá chung trước kết bài. Đặc biệt đánh giá sẽ là phần để giám khảo phân hóa điểm cao hay điểm thấp.

Tips khi đi thi

– Bắt đầu đoán đề và tắp hương tích đức từ bây giờ. Học tủ không tốt nhưng học quá rộng cũng không để làm gì. Và may mắn luôn là điều vô cùng quan trọng.

– Những ngày cuối, mỗi ngày cố kiếm 1 – 2 đề thi và mua giấy thi về viết, không lập ý nữa. Kịp thời gian thì tốt, không kịp thì cũng cố viết cho trọn vẹn rồi sau đó căn lại xem thi thật nên cắt đoạn nào. Về sau khi đi thi, dù văn bản đó mà đề khác thì bạn vẫn dễ “chém” hơn rất nhiều.

– LUÔN LẬP Ý CƠ BẢN TRƯỚC KHI VIẾT: Dành 5 phút đầu lập dàn ý cả 3 bài. Không lập dàn ý khi viết rất dễ xa đề. Trong quá trình làm bài nhớ ra cái gì hay có ý gì mới thì viết luôn vào giấy nháp không tý nữa sẽ quên luôn.

– LUÔN GẬP LỀ: Đừng kẻ lề nhé mà hãy dùng tay gấp hoặc bạn nào có móng tay thì dùng móng tay vẽ một đường cũng được. Lề không được to quá nhưng cũng đừng quá nhỏ. Lề nhỏ thì không ăn gian được mà lề to gây mất thiện cảm. Lề tầm độ 4cm (thường sẽ là 1 – 1,5 độ rộng của cây thước kẻ 30 cm bán ngoài cửa hàng).

– VIẾT CHỮ TO LÊN: Giám khảo mỗi ngày chấm bao nhiêu là bài thường sẽ chủ yếu đếm ý cho điểm thôi. Nên dài vẫn tốt hơn. Ai chữ quá nhỏ hoặc quá chậm thì MUA BÚT NÉT TO.

– ĐỌC ĐỀ BÌNH TĨNH: Hãy đọc đi đọc lại 3 lần vì kiểu gì cũng thấy vấn đề quen thuộc. Đề thi thường ra đi ra lại các dạng mà bạn thường gặp.

– Căn thời gian: Thời gian làm Tiếng Việt lâu nhất là 13 – 15 phút, còn Nghị luận xã hội là 15 – 18 phút. Nghị luận văn học cũng phải cắt đôi bài ra, đúng nửa thời gian viết được đúng nửa hoặc gần nửa bài.

– Đồ dùng cần mang đi: Đồng hồ, nhiều bút, thước kẻ. Không cần mang nước vì ngẩng đầu xuống viết bài xong ngẩng đầu lên đã hết giờ. Mang nước cũng không có thời gian mà uống.

Cô bạn cũng chia sẻ thêm về vấn đề sức khỏe và tinh thần của các thí sinh trong những ngày ôn thi cuối cùng này: “Sát những ngày thi, các bạn hãy cố gắng giữ tinh thần và sức khỏe thật tốt. Mình từng thức khuya một thời gian dài và kết quả đến tầm sát thi thường xuyên viết sai chính tả, đôi khi còn mất tập trung và không ý thức được mình đang viết cái gì. Mình biết là dù rất lo lắng nhưng mong các bạn hãy cố gắng sinh hoạt điều độ, ăn uống và ngủ nghỉ đúng giờ”.

Còn vài ngày nữa là kì thi THPT Quốc Gia năm 2019 bắt đầu, chúc các bạn học sinh ôn luyện thật tốt và giành điểm cao trong kì thi quan trọng này.

Theo Kênh 14