Home Tin tuyển sinh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phổ thông không được...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phổ thông không được lựa chọn đầu vào

0
1103

“Tinh giản biên chế là cần thiết nhưng không thể để thiếu trường lớp, giáo viên. Giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến ngành giáo dục năm 2020 ngày 30/10.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

“Vì thế, đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh/thành, ngoài vấn đề trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Đề nghị Bộ GD&ĐT sau hội nghị có kiến nghị mạnh mẽ về vấn đề này”,  Phó Thủ tướng nói

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, giáo dục liên quan đến toàn dân, mọi người ít nhiều đều có kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn về giáo dục để góp ý, để mọi người hiểu, đồng thuận và tham gia, ngành cần hết sức cầu thị, có trao đi đổi lại trên tinh thần tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc. Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, giáo viên, để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi. Giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào.

Bộ GD&ĐT nên tăng tỉ lệ học trực tuyến lên 15-30%

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích ngành giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tỉ lệ học trực tuyến lên 15-30%.

Theo bộ trưởng, giai đoạn COVID-19 vừa qua, có tới gần 80% học sinh sinh viên học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD là 67,15%, trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phổ thông không được lựa chọn đầu vào - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. 

Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ký năm nay, coi chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là ưu tiên số 1. Bởi vậy, ngành giáo dục phải đi đầu về chuyển đổi số.

Một số cấp học, nhất là học ĐH có thể cho phép sinh viên học ở bất đâu, cách nào cũng được. Nhưng nếu thi đạt ở một tổ chức uy tín do Bộ GD&ĐT quyết định thì coi như hoàn thành môn học đó. Tức là chúng ta quản cho tốt đầu ra, và bằng cách này, tải của các trường ĐH cũng sẽ giảm xuống.

Thế giới ngày nay, mỗi người cần phải biết ba ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hoá truyền thống, giữ cái gốc, nền tảng; tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ máy lập trình coding để giao tiếp người với máy. Bộ GD&ĐT cân nhắc nên đưa các môn này thành ba môn học bắt buộc ở cấp phổ thông.

Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh, có thể phát triển các nền tảng số cho Bộ GD. Bộ GD hãy đặt ra các bài toán, khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành phát triển. Và thực tế, nhiều nền tảng giáo dục hiện nay đã ra đời, nhất là trong giai đoạn COVID-19. Bộ GD&ĐT cân nhắc thay đổi một số quy định, để chính thức hoá tỷ lệ học trực tuyến, thí dụ 15-30% ngay cả khi không còn dịch bệnh.

Ông Hùng mong muốn, ngành GD&ĐT có niềm tin rằng, công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng giải quyết hầu hết các bài toán mà ngành có thể đặt ra. Sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai, thời gian đào tạo ngắn hơn, gắn liền với thực tế hơn, nội dung bám sát vào những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Theo Báo Tiền Phong